Trước nguy cơ tắc nghẽn nông sản, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ

Dịch bệnh Covid – 19 tái bùng phát làm dấy lên lo ngại nông sản sẽ tiếp tục bị ùn tắc như đợt đầu năm 2021. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đã đề nghị các Bộ, ban ngành, địa phương tạo điều kiện cho thông quan hàng hoá đã qua kiểm dịch.

Bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng, nhiều địa phương trong cả nước như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam…. đã thực hiện phong toả khu vực, thậm chí giãn cách toàn tỉnh. Riêng tỉnh Bắc Ninh đề xuất giãn cách toàn tỉnh bởi nơi đây là điểm giao thoa của nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, nối liền tỉnh  với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc như: Quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn, đường cao tốc nối Sân bay Quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long…

Với việc nhiều địa phương có các tuyến đường huyết mạch đi qua đều thực hiện lệnh phong tỏa, hạn chế di chuyển dễ dẫn đến nguy cơ ách tắc hàng hóa như bài học Hải Dương, Hải Phòng ở đợt dịch trước. Cụ thể hồi tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, tình trạng tắc nghẽn lưu thông khiến nông sản của địa phương này chịu thiệt hại đến 300-400 tỷ đồng.

Trước nguy cơ tiềm ẩn một đợt tắc nghẽn hàng hóa nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch&Đầu tư, đề xuất các Bộ, ban ngành (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…), các địa phương trong cả nước và các hiệp hội cùng phối hợp hành động để hỗ trợ ngành nông sản qua cơn bĩ cực.

Đặc biệt Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương và các tỉnh thành, địa phương trong cả nước cùng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông sản đã được chứng nhận an toàn ở các tỉnh bị phong toả được lưu thông, tiêu thụ bình thường; đồng thời đề xuất Bộ Công Thương có ý kiến để các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Để hỗ trợ khâu tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương tích cực phối hợp, kết nối với các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị sản xuất cũng như doanh nghiệp thu mua, phân phối để hỗ trợ đầu ra cho nông sản, nhất là các doanh nghiệp có hệ thống bán lẻ lớn như Central Group, AEON, Vincommerce, Lotte…

Ngoài ra để đồng hành giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân kinh doanh, sản xuất nông sản, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu các gói hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, gia hạn nợ, các gói vay kích cầu. Ngoài ra Bộ Tài chính cũng có thể xem xét kéo dài thời gian làm việc của cơ quan hải quan, kiểm dịch để hỗ trợ thông quan hàng hoá, tránh hàng bị tồn đọng lâu ngày.

Trung Anh