Các nhà hoạt động Myanmar chỉ trích sự đồng thuận giữa ASEAN và quân đội Myanmar

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ của Myanmar đã chỉ trích gay gắt một thỏa thuận giữa người đứng đầu quân đội Myanmar và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực hậu đảo chính của đất nước và tuyên bố vào Chủ nhật rằng họ sẽ tiếp tục chiến dịch phản đối của họ.

 Một số cuộc biểu tình hòa bình rải rác đã diễn ra tại các thành phố lớn của Myanmar hôm Chủ nhật, một ngày sau cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Tướng Min Aung Hlaing tại Jakarta, Indonesia, đạt được đồng thuận nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở nước này, nhưng không đưa ra mốc thời gian.

 Nhà hoạt động Khin Sandar từ một nhóm biểu tình có tên là Ủy ban hợp tác đình công chung cho biết: “Cho dù đó là ASEAN hay Liên Hợp Quốc, họ sẽ chỉ nói từ bên ngoài rằng đừng chiến đấu mà hãy thương lượng và giải quyết các vấn đề. Nhưng điều đó không phản ánh tình hình thực tế của Myanmar. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình. Chúng tôi có kế hoạch làm như vậy”.

Theo một tuyên bố từ Chủ tịch ASEAN Brunei, tại Jakarta, các bên đã đạt được đồng thuận về 5 điểm – chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, cử một đặc phái viên ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, chấp nhận viện trợ và chuyến thăm của đặc phái viên tới Myanmar. Sự đồng thuận năm điểm không đề cập đến các tù nhân chính trị, mặc dù tuyên bố của chủ tọa cho biết cuộc họp “đã nhận được những lời kêu gọi” để phóng thích họ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã muốn có một cam kết từ Min Aung Hlaing để kiềm chế lực lượng an ninh của ông ta.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), quân đội Myanmar đã giết chết 748 người kể từ khi một phong trào bất tuân dân sự lớn nổ ra để thách thức cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Một số người đã lên mạng xã hội để chỉ trích thỏa thuận này.

Một người dùng Facebook có tên Mawchi Tun cho biết: “Tuyên bố của ASEAN là một cái tát vào mặt những người bị quân đội ngược đãi, giết hại và khủng bố. Chúng tôi không cần sự giúp đỡ của bạn với tư duy và cách tiếp cận đó”.

Aaron Htwe, một người dùng Facebook khác, viết: “Ai sẽ phải trả giá cho hơn 700 sinh mạng vô tội”.

Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết thật đáng tiếc khi chỉ có tướng quân đội đại diện cho Myanmar tại cuộc họp. Ông nói trong một tuyên bố: “Không chỉ các đại diện của người dân Myanmar không được mời tham dự cuộc họp ở Jakarta mà họ còn bị loại khỏi sự đồng thuận rằng ASEAN đang tự hào nói rằng họ đã đạt được. Việc thiếu một lịch trình hành động rõ ràng và sự yếu kém nổi tiếng của ASEAN trong việc thực hiện các quyết định và kế hoạch mà ASEAN đưa ra, là những mối lo ngại thực sự mà không ai nên bỏ qua”.

Bảo Anh