Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 239 – 240 tỷ USD

Theo báo cáo của Chính phủ, 10 tháng năm 2018 tình hình kinh tế trong nước có những chuyển biến tích cực; điểm nhấn là kim ngạch xuất khẩu đạt 200,27 tỷ USD, tương đương con số kỷ lục của cả năm 2017 (214 tỷ USD), tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,45 tỷ USD, tăng 13,2%. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu thời gian qua bởi từ trước đến nay, khu vực kinh tế trong nước luôn có mức tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Xuất khẩu nông sản đạt nhiều kết quả tích cực

Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu kỷ lục trong 10 tháng đầu năm vẫn là các mặt hàng chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo như: điện thoại và linh kiện đạt 40,7 tỷ USD, tăng 10,6%; điện tử, máy tính và linh kiện – đạt 24,3 tỷ USD, tăng 15,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng – đạt 13,5 tỷ USD, tăng 28,3%… Đặc biệt xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của nước ta như dệt may, da giày đều đạt những kết quả hết sức khả quan với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,2 tỷ USD, tăng 17,1%; giày dép – đạt 13 tỷ USD, tăng 9,7%…

Bên cạnh các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo thì nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng duy trì được mức tăng trưởng khá, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng thủy sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 5,9%; rau quả đạt 3,3 tỷ USD, tăng 14,4%; cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng 1,1% (lượng tăng 21,5%); gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16,1% (lượng tăng 3,4%)…Trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa trên thị trường thế giới đang thừa thãi, các rào cản thương mại liên tục được các nước dựng lên để bảo hộ nền sản xuất nội địa thì việc các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định là tín hiệu lạc quan cho thấy chất lượng nông sản trong nước đã có sự cải thiện tích cực.

Bên cạnh thành tích xuất khẩu ấn tượng thì hoạt động nhập khẩu của cả nước cũng có nhiều khởi sắc với kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2018 đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 77,50 tỷ USD, tăng 12%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 116,34 tỷ USD, tăng 11,7%. Nhập khẩu lớn nhất vẫn là các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện với kim ngạch đạt 34,6 tỷ USD, tăng 13,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu 27,5 tỷ USD, giảm 2%; điện thoại và linh kiện nhập khẩu 12,6 tỷ USD, giảm 1,6%; vải nhập khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 12,9%; sắt thép 8,3 tỷ USD, tăng 10,6%… Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thông qua những kết quả trên có thể thấy cán cân thương mại trong nước 10 tháng năm 2018 tiếp tục thặng dư với con số xuất siêu đạt 6,4 tỷ USD. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, mặc dù còn hai tháng nữa mới kết thúc năm 2018 nhưng kim ngạch xuất khẩu đã chính thức vượt mốc 200 tỷ USD. Con số ấn tượng này kỳ vọng sẽ tạo dư địa lớn cho mục tiêu xuất khẩu của cả năm nay và nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ vượt qua con số kỷ lục của năm 2017. Theo đó Bộ Công Thương đưa dự báo  kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10 – 12%, đạt 239 – 240 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 237 tỷ USD; xuất siêu khoảng 2 – 3 tỷ USD. Xét về ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản dự báo đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.

Nguyễn Cường