Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp hàng không tiếp tục cầu cứu Chính phủ

Khép lại năm 2020 đầy thách thức, doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019, riêng hoạt động vận tải hàng không ước lỗ của các hãng trên 18.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) lý giải nguyên nhân của sự thua lỗ trên là do tác động của dịch Covid – 19, khách nội địa sụt giảm trong khi các đường bay quốc tế chưa được nối lại. Bước sang năm 2021, dịch bệnh lại tái bùng phát ở một số tỉnh thành trên cả nước khiến ngành hàng không lại một lần nữa chao đảo với mức lỗ năm nay dự báo khoảng trên 15.000 tỷ đồng.

Thống kê của VABA cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2020, các hãng hàng không trong nước chỉ vận chuyển 66.600 lượt khách quốc tế, giảm tới so cùng kỳ 2019. Doanh thu nội địa dịp Tết cũng giảm từ 70% đến 80% so với cùng kỳ Tết năm trước. Trước tình hình này, các hãng hàng không buộc phải giảm mạnh giá vé để kích cầu và đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hãng bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Tình trạng hẩm hiu của hoạt động vận tải hàng không kéo theo sự tụt dốc cả về doanh thu lẫn sản lượng của các đơn vị dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không….

VABA nhận định trong bối cảnh doanh thu suy giảm nghiêm trọng, dòng tiền mất cân đối kéo dài thì nguồn vốn hoạt động chính là vấn đề cấp thiết nhất đối với các hãng hàng không. Ngoài ra do trong năm 2020 phải ưu tiên chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên bước sang năm 2021, các hãng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền giai đoạn thấp điểm sau Tết.

Trước tình hình khó khăn trên, VABA vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp đề xuất của các doanh nghiệp hàng không về giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch Covid-19; trong đó hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị Chính phủ có các chương trình hỗ trợ tín dụng. Cụ thể  VietJet Air đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng, kỳ hạn vay tới năm 2023 với lãi suất khoảng 4%/năm. Về phía Bamboo Airways đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế để hãng được vay khoảng 10.000 tỷ đồng, bao gồm 5.000 tỷ đồng vay dài hạn với lãi suất ưu đãi 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất hỗ trợ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hàng không kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ với các khoản phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ đến hết 31/12/2021; sớm mở cửa lại đường bay quốc tế, cho phép khách quốc tế đã tiêm vắc xin vào Việt Nam; tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trườngvới nhiên liệu bay xuống 900-1.000 đồng một lít; gia hạn nộp các loại thuế: thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, nhà thầu nước ngoài…; giảm giá dịch vụ cất hạ cánh, điều hành bay 50% tới hết năm…

Theo VABA, mặc dù năm 2020 Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người lao động chịu tác động bất lợi từ dịch bệnh song mức độ hỗ trợ với các doanh nghiệp hàng không còn tương đối hạn chế. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không chỉ có 20 lao động được hỗ trợ (chiếm 2,9% tổng số lao động) với mức hỗ trợ 915.000 đồng/người/tháng. Hay như chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu hàng không của Chính phủ cũng chỉ giúp Bamboo Airways giảm được 1,4% (120 tỷ đồng) trong tổng chi phí hoạt động.

Thành Nam