Trung Quôc không “dễ tính” cho Việt Nam xuất khẩu cá tra

Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu bền vững tại thị trường lớn nhất thế giới này thì phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Trung Quốc vẫn đang là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết 3 quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tuy tốc độ có chậm hơn so với năm trước nhưng giá trị xuất khẩu sang hai thị trường này vẫn đạt 376,8 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Từ nay cho tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông vẫn được dự báo tăng trưởng ổn định nhưng không tăng quá 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Vasep, tính đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,59 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt từ quý 3/2018, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có nhiều chuyển biến tốt.

Theo Vasep, trong 10 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc phát triển mạnh với mức tăng trưởng khá ổn định. Đây là một trong những thị trường hiếm hoi không tăng trưởng âm trong suốt quãng thời gian dài. Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm đang có xu hướng sụt giảm thì Trung Quốc thực sự là một thị trường thay thế đầy tiềm năng.

Thị trường thủy sản Trung Quốc được đánh giá là thị trường quan trọng trong tương lai của Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu các doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe chia sẻ: Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn, xuất khẩu cá tra vào thị trường này tăng trưởng liên tục và còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Song, Trung Quốc là thị trường chưa ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam đang bối rối vì nhiều quy định của Nhà nước Trung Quốc.

Ví dụ, quy định hàm lượng phosphate trong sản phẩm cá tra của EU là không vượt quá 4%, nhưng Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại chỉ đưa ra nhận định “sản phẩm có dư lượng và không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc”.

Đặc biệt, từ khi khối lượng cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh, phía Trung Quốc liền đặt ra hàng loạt những hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu chính ngạch, nhưng lại thả nổi chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu đường biên mậu, trong khi hàng biên mậu lại không phải chịu 17% thuế giá trị gia tăng như hàng chính ngạch.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung kiểm soát tốt chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.

Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu được chấp nhận tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, trong đó có sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Victor Thai