Vinasun kiện Grab: “Doanh nghiệp  taxi truyền thống phải tự cởi trói cho mình…”

Xoay quanh việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho hãng taxi truyền thống này hơn 41,2 tỷ đồng, TS. Lương Hoài Nam –  chuyên gia trong ngành hàng không và du lịch chia sẻ: “Nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện Grab, đối với tư pháp, nó sẽ tạo ra án lệ hủy hoại nhiều thứ tốt đẹp khác, bắt đầu từ sự sụp đổ của hàng loạt công ty công nghệ khác ở Việt Nam”

Ông Nam viện dẫn mặc dù Toà án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng nếu đề nghị của Viện Kiểm sát được chấp thuận, Vinasun thắng kiện thì lúc đó Grab sẽ không còn “đất sống” tại thị trường Việt Nam bởi ứng dụng gọi xe thông minh này sẽ rơi vào ách “một cổ hai tròng”, vừa bị quản lý như taxi truyền thống vừa bị quản lý như một công ty công nghệ. Chưa tính đến chuyện học theo Vinasun, các doanh nghiệp taxi truyền thống khác cũng sẽ đua nhau kiện Grab cho đến khi Grab biến khỏi Việt Nam. TS. Lương Hoài Nam nêu quan điểm: “Nếu toà xử cho Vinasun thắng kiện Grab thì đó sẽ là một “cái tát” vào mặt môi trường, văn hóa kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta”.

Grab không có phương tiện vận tải, cũng chẳng có lái xe nên theo ông Nam, không thể coi đây là doanh nghiệp vận tải mà Grab đơn thuần chỉ là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng.  “Điều tôi mong mỏi là toà án sẽ đưa ra phán quyết dựa trên lẽ phải, tính hợp lý chứ không phải trên cơ sở chủ nghĩa bảo hộ cho taxi tuyền thống. Nếu toà phán quyết Vinasun thắng kiện thì cánh cửa đưa công nghệ đi vào cuộc sống một lần nữa sẽ bị đóng sập. Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà giết chết một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển và văn minh” – TS.Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Minh Đức – Chuyên gia chính sách công, thành viên Ban pháp chế Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam lại có cách nhìn thận trọng hơn về đề xuất của Viện kiểm sát. Theo ông Đức, có ba lý do khiến Grab chiếm lợi thế cạnh tranh trước Vinasun: thứ nhất, công nghệ hiện đại; thứ hai, chi phí tuân thủ pháp luật của Grab và Vinasun là không cân xứng; thứ ba, Grab cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh.

Bỏ qua phần công nghệ, ông Đức đi sâu vào phân tích lý do thứ hai và khẳng định việc chi phí tuân thủ pháp luật của Grab thấp hơn Vinasun là điều rất dễ nhận thấy khi tìm hiểu các quy định quản lý taxi. Và phần thiệt hại này của Vinasun đáng ra phải do Nhà nước chịu trách nhiệm vì Nhà nước là người ban hành những quy định bất bình đẳng này. “Đáng lẽ ra Nhà nước không nên quy định như vậy và phải để cho taxi truyền thống tự do cạnh tranh với taxi công nghệ” – ông Đức nêu quan điểm.

Với lý do thứ ba, theo ông Đức, để có thể đi đến kết luận Grab có cạnh tranh không lành mạnh hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh hay không vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xác minh lại. Đây sẽ là một nội dung rất quan trọng cần phải làm sáng tỏ trước khi Hội đồng Xét xử đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ việc này.

Đồng ý kiến với chuyên gia Nguyễn Minh Đức, TS.Lương Hoài Nam cho rằng thay vì khởi kiện Grab, Vinasun nói riêng và các công ty taxi truyền thống nói chung nên tự nhìn nhận  lại bản thân mình để tìm ra điểm yếu kém, từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài ra trong kỷ nguyên số 4.0, bản thân taxi truyền thống cũng cần phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại như Grab hay Uber để ngày càng đổi mới và hoàn thiện mình hơn, từ đó thu hút ngày càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ. “Các doanh nghiệp taxi truyền thống phải tự cởi trói cho mình để có sự tự do tối đa, nâng cao năng lực cạnh tranh” – ông Nam nhấn mạnh.

Minh Đường