Đại chiến taxi truyền thống – Grab: Grab đứng trước nguy cơ phải bồi thường cho Vinasun

Liên quan đến vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam để tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, sau 4 ngày xét xử, Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM đã đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun.

Xoay quanh quyết định này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là Vinasun thì đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, những vấn đề trong đơn kiện đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi. Việc Grab đề nghị đưa Bộ GT&VT tới để làm sáng tỏ vụ án nhưng do Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện nên Viện Kiểm sát xét thấy không cần thiết phải đưa Bộ GT&VT vào tham gia tố tụng.

Ngoài ra giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải mặc dù theo Đề án 24 Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối. Điều này cho thấy Grab đã lợi dụng Quyết định 24 để điều hành dịch vụ vận tải taxi như thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,…Bên cạnh đó, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi sai quy định, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng chừng đó cũng đã đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng Đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực.

Tài xế kéo đến đông nghẹt trong ngày xử đầu tiên. Ảnh: Trương Khởi.

Vinasun khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại vì so sánh lợi nhuận với các năm trước giảm sút. Theo kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu, có đến 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho nguyên đơn hơn 41,2 tỷ đồng. Xét thấy vụ án phức tạp cần có thời gian nghị án, Hội đồng Xét xử quyết định tuyên án vào 14h ngày 29/10.

Trước đó tại các ngày xét xử, phía nguyên đơn Vinasun vẫn giữ quan điểm, khẳng định Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ GT&VT. Vinasun cho rằng Grab tính cước phí và xuất hóa đơn sau chuyến đi, trong khi Đề án 24 chỉ cho phép Grab cung cấp cách tính, còn việc quyết định thuộc về đơn vị kinh doanh vận tải. Đại diện của Vinasun chỉ ra Grab vi phạm quy định về khuyến mãi, cụ thể có tất cả 40 chương trình khuyến mại không thông báo và kéo dài thời gian khuyến mại. Vinasun nhấn mạnh Grab không chỉ vi phạm Đề án 24 mà còn vi phạm Luật Thương mại, Luật Lao động, Thương mại điện tử, Thuế,…

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp này cũng chỉ ra mình là nạn nhân bị thiệt hại doanh thu từ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm đến hoạt động kinh doanh của Grab. Khi xem xét báo cáo tài chính, so sánh doanh thu của công ty mẹ dễ dàng nhận thấy tỷ lệ tăng doanh thu của Vinasun đã bị sụt giảm. Đơn cử năm 2017 tỷ lệ tăng doanh thu giảm 43,2% so với năm 2016. Từ đây Vinasun khẳng định Grab và những hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam là nguyên nhân gây nên những thiệt hại nặng nề cho Vinasun.

Trước cáo buộc của Vinasun và trong phần trả lời thẩm vấn của Viện Kiểm sát, đại diện phía Grab khẳng định doanh nghiệp mình cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi chứ không kinh doanh vận tải. Bị đơn cho biết cũng như Vinasun, Grab cũng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh vì không biết sẽ chọn kinh doanh nào nhưng không sử dụng lĩnh vực đó. Đại diện Grab cho biết  từ ngày 2/3/2017 Grab nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.

Về khoản lỗ 1.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2017, Grab cho rằng việc lỗ không phải hoàn toàn là do tiếp thị hay quảng cáo mà còn phải kể đến chi phí cho khuyến mãi, thưởng cho tài xế, nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cho công nghệ. Đối với phần trăm chiết khấu dành của lái xe thay đổi liên tục, Grab cho biết dựa vào chi phí vận hành ngày càng tăng và doanh nghiệp này cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho tài xế. Căn cứ để thay đổi dựa vào hợp đồng hợp tác kinh doanh và thỏa thuận giữa các bên, nếu tài xế không đồng ý với mức chiết khấu đó thì có quyền chấm dứt hợp đồng.

Trước đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun của Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM, ông Jerrry Lim – Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết bản thân ông thấy rất thất vọng với đề nghị này. Bày tỏ sự lạc quan vào phán quyết sơ thẩm của Tòa án dự kiến sẽ tuyên vào ngày 29/10/2018, Giám đốc Grab cũng đồng thời khẳng định niềm tin rằng Tòa án sẽ bảo vệ lợi ích tốt nhất của người dân chứ không phải vì lợi ích nhóm đang cố giữ mô hình kinh doanh truyền thống.

Quang Vinh