Chỉ lối cho nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu
Từ đầu năm đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta có sự tăng trưởng ấn tượng kỳ vọng một năm thắng lợi lớn của ngành hàng này. Tuy nhiên vẫn còn không ít lo ngại, không ít “nút thắt” cần tháo gỡ trong hoạt động của ngành, nhất là tình trạng được mùa mất giá; chế biến thô, giá trị gia tăng thấp; truy xuất nguồn gốc…
Chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu nông sản
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản trong 9 tháng năm 2018 ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III/2018 đề ra; trong đó giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 15,16 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên điều bất cập là sản phẩm nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu nên giá trị gia tăng chưa cao; vẫn tồn tại tình trạng khó tiêu thụ, dư nguồn cung do quy trình sản xuất còn nhỏ lẻ. Vấn đề truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, truy xuất, xác thực nguồn gốc, đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường nội địa và cả xuất khẩu còn nhiều hạn chế…
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – ôngng Phạm Thái Bình, điểm yếu lớn nhất của ngành lúa gạo hiện nay là vùng nguyên liệu. Mặc dù từ chủ trương của Chính phủ, quy hoạch của Bộ NN&PTNT cho tới hướng liên kết của nhiều doanh nghiệp đều đang đi đúng hướng song hiệu quả vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nguyên liệu còn người nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào liên kết này, đôi khi còn phá vỡ hợp đồng để bán cho thương lái với giá cao.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” – sự kiện được xem như “hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra cuối tháng 7/2018 tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhất là trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề nghị Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Thủ tướng cũng đã “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới đứng vào Top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đề ra trong bối cảnh hiện nay là điều không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia, bao nhiêu năm nay nước ta rất kém trong khâu liên kết sản xuất cũng như chế biến sau thu hoạch nên xuất khẩu nông sản chủ yếu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp. Các chuyên gia khuyến nghị để giải bài toán được mùa mất giá hoặc điều tiết giá trên thị trường cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nông trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, doanh nghiệp không được bỏ rơi người nông dân, không giành việc của họ, giúp họ làm giàu và tăng thêm thu nhập. Cụ thể các doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau đó đặt hàng người nông dân sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư chiều sâu về mặt công nghệ, máy móc trang thiết bị hiện đại gắn với đẩy mạnh liên kết sản xuất, qua đó mới có thể gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu của sản phẩm nông sản.
Minh chứng cho hiệu quả vượt trội do máy móc, công nghệ hiện đại mang lại, ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Tổng Giám Lavifood (Long An) cho biết nhờ đầu tư nhà máy 1.500 tỷ đồng bằng công nghệ hiện đại hàng đầu của Ý, Đức mà doanh nghiệp của ông nhận đơn hàng tới tấp, hiện hàng sản xuất không đủ cung ứng cho xuất khẩu. Còn theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên với việc mạnh dạn công nghệ sấy đông khô (frezze dried), Vinamit sắp tung ra thị trường sản phẩm mới: cà phê tươi và nước mía ép đông khô. Ưu điểm của công nghệ này là giúp giữ và kéo dài 100% chất lượng sản phẩm ở thời điểm ngon nhất, có thể lưu trữ ở điều kiện bình thường trong thời gian dài.
Cùng với đầu tư công nghệ, các chuyên gia cũng đồng thời lưu ý các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm bởi đây là yếu tố vô cùng cần thiết, giúp người tiêu dùng kiểm chứng được đâu là sản phẩm tốt, sản xuất theo đúng quy trình, từ đó giúp bảo đảm nguồn cung minh bạch, là bước tiến quan trọng để nông sản Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Minh Đường