Muốn bền vững thì nông dân và doanh nghiệp phải chủ động làm chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là hành trang cho nông sản Việt Nam nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều nông dân, doanh nghiệp và địa phương còn chưa hiểu hết giá trị của chỉ dẫn địa lý nên chưa có phương thức tiếp cận và xây dựng hiệu quả.
Chỉ dẫn địa lý là công cụ bảo vệ giá trị sản phẩm
Trên đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý vừa diễn ra tại tỉnh Bình Phước, ngày 12/10.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước Hà Anh Dũng cho biết: Vào tháng 5/2018, hạt điều Bình Phước đã được đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là chỉ dẫn địa lý số 66 được bảo hộ tại Việt Nam và là chỉ dẫn địa lý thứ 60 của Việt Nam.
“Chúng tôi ý thức được rằng, chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Một mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý hiệu quả sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng”, Ông Dũng chia sẻ.
Còn theo ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Việt Nam đã và đang tập trung vào chiến lược phát triển chỉ dẫn địa lý như một giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, phát triển thị trường, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 9/2018, đã có 63 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ, trong đó có 57 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm nông sản, thực phẩm; 6 chỉ dẫn là sản phẩm phi nông nghiệp. 40 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn, 16 tỉnh/thành phố đã có từ 2 chỉ dẫn trở lên.
Đánh giá về vai trò của chỉ dẫn địa lý, ông Sơn khẳng định, chỉ dẫn địa lý đã tác động đến giá trị hàng hóa. Giá bán của sản phẩm sau khi bảo hộ chỉ dẫn đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: nước mắm Phú Quốc, mật ong bạc hà Đồng Văn…
“Chỉ dẫn địa lý cũng đã giúp các địa phương hình thành được các tập thể như hội/hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để tham gia hoạt động quản lý, phát triển thị trường” – ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Theo các chuyên gia, tại nhiều nước trên thế giới, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là xuất phát từ chính các hộ nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhà nước lại là người chủ động thực hiện. Nghịch lý trong tiếp cận đó đã khiến hiệu quả các chương trình xây dựng chỉ dẫn địa lý chưa cao.
Theo bà Nguyễn Thị Mỵ – Chủ tịch HĐQT Hamyco, đối với vùng trồng điều ở Bình Phước, do đặc thù bà con trồng điều phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhận thức về chỉ dẫn địa lý còn rất hạn chế. Nhiều bà con chỉ thích trồng đơn giản, bán cho thương lái.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp chế biến lại chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu điều thô về sản xuất rồi xuất khẩu. Do đó, chính các doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Chính bởi vậy, để phát triển bền vững cho nông sản, hàng hóa Việt Nam, cần phải thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng chủ động từ các cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý.
Chỉ dẫn địa lý là lĩnh vực đa ngành, không chỉ riêng về kinh tế mà còn liên quan đến văn hóa, lịch sử, liên quan đến chuyên môn kỹ thuật…Bởi vậy, xây dựng chỉ dẫn địa lý không phải là việc của một Bộ, một ngành mà phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành khác nhau.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp trong xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Chia sẻ về cơ chế phối hợp này, ông Lưu Đức Thanh – Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế cho biết: Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với 2 Bộ còn lại để rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới chính sách, pháp luật về chỉ dẫn địa lý liên quan đến ngành Công Thương, trong đó có xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quản lý thị trường để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tham vấn ý kiến các Bộ khác những nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, thương hiệu các sản phẩm đặc thù của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia…Bộ Công Thương cũng sẽ ưu tiên và đẩy mạnh các kế hoạch xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Minh Đường