“Đừng làm ô tô nếu không muốn bị hạ bậc tín nhiệm”

Việc Fitch hạ triển vọng xếp hạng Vingroup từ ổn định xuống tiêu cực sau khi tăng cường vay vốn đầu tư cho VinFast đã được tập đoàn dự trù. Đó là nhận định của CEO VinGroup Nguyễn Việt Quang.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa ra báo cáo xếp hạng Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu của Việt Nam Vingroup (Mã CK: VIC). Theo đó Fitch giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Vingroup là B+ nhưng hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực

Fitch cho rằng, mức xếp hạng này phản ảnh “rủi ro cao” trong hoạt động kinh doanh của Vingroup. Theo tổ chức này, việc hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm do Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Vingroup, theo đánh giá của Fitch, sẽ tăng lên 58% vào năm 2018, so với mức 45% năm 2017.

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang

Chia sẻ với dư luận, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang cho rằng điều này đã nằm trong dự liệu của tập đoàn.

Đầu tư vào lĩnh vực ôtô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”, CEO Vingroup chia sẻ.

Tổng vốn đầu tư cho dự án sản xuất ôtô, xe máy điện của VinGroup dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD, một phần từ nguồn tự có của Vingroup và huy động từ công ty thành viên, một phần đến từ huy động bên ngoài. Xét ở góc độ đầu tư, lợi ích kinh tế giai đoạn đầu chưa thấy ngay nhưng CEO Vingroup cho rằng với tiềm năng tiêu thụ xe tại Việt Nam trong tương lai và hướng tới xuất khẩu, VinFast rất có triển vọng. 

Với tâm huyết xây dựng bằng được thương hiệu ôtô Việt, chúng tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình, thậm chí là những lợi ích vật chất to lớn để tập trung mọi nguồn lực cho VinFast”, ông Quang nói.

Tập đoàn cũng cho biết sẽ tập trung huy động vốn thêm cho dự án VinFast. Điểm tích cực là Vingroup đang có uy tín cao và mối quan hệ tốt với các tổ chức tài chính quốc tế. Tập đoàn cũng đã huy động được những khoản vay có bảo lãnh với giá trị kỷ lục. Bên cạnh đó, Vingroup cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức tín dụng trong nước.

Mới đây, VinFast được Euler Hermes – Cơ quan tín dụng xuất khẩu thuộc chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD để nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất. Trước đó, tháng 7/2018, đơn vị này cũng hoàn thành việc phân phối khoản vay thương mại trị giá 400 triệu USD, do bốn ngân hàng nước ngoài đồng thu xếp và tài trợ.

Minh Đường