Chuyển đổi số là một trong những chiến lược để doanh nghiệp bứt phá…

Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19”. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Liên minh Invest Global phối hợp tổ chức.

Thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Chử Văn Lâm – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times khẳng định ngày nay kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.

Cũng theo ông Lâm, mặc dù là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng song dịch bệnh Covid-19 cũng lại chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, với vai trò và sứ mệnh của cơ quan báo chí, truyền thông kinh tế, là cầu nối truyền tải thông tin, phản hồi và thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và Tuần lễ Cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững.

“Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp phải là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay” – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Nguyễn Minh Vũ, sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh, tiên tiến của khoa học công nghệ tất yếu sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới-thời đại số. Thời đại này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi nơi trên thế giới. Quá trình chuyển đổi số hứa hẹn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn.

Nhiều dự báo cho rằng 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia. Vừa mới năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới.

Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1.000 tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Mặc dù Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế song đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Đồng quan điểm, các nhà quản lý, chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 cũng đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp nên chú trọng lựa chọn chuyển đổi số bởi hiện nay Việt Nam đang sở hữu lợi thế rất lớn về chuyển đổi số, nhất là thị trường gần 100 triệu dân, trong đó có tới hơn 70% người dân sử dụng Internet, thiết bị thông minh; cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động cùng sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Đây chính là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Từ khía cạnh quản lý nhà nước, Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Với tầm nhìn này, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tháng 5 vừa qua, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tháng 6, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đã được ban hành, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn.

Yều cầu tất yếu phải chuyển lên môi trường số

Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết quy mô thương mại điện tử tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2019 với mức tăng trưởng trung bình 30%, còn năm 2020 con số tăng trưởng này vẫn còn là một bí ẩn song nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng không bằng năm 2019.

Theo ghi nhận của ông Đặng Hoàng Hải, hiện tại hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến đang phát triển rất tốt. Do Covid-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn xuống tiền trên nền tảng số. Mặc dù doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử chỉ tăng ở các mặt hàng nhu yếu phẩm (thực chất là doanh thu chung giảm) song họ vẫn rất lạc quan với kịch bản phục hồi kinh tế và tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 cũng như trong thời gian tới. “Với đà tăng trưởng tích cực của thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay, càng chứng minh chuyển đổi số đang là yếu tố then chốt của nền kinh tế và sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp, trong các lĩnh vực khác nhau.

Trên thực tế các doanh nghiệp trong nước đã nhận thức rõ xu hướng chuyển đổi số và xem đây là sự lựa chọn tất yếu, tuy nhiên thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong việc chuyển lên môi trường số lại nằm ở chính vấn đề thay đổi thói quen. Trong khi đó thói quen này có thay đổi được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp” – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định.

Đồng quan điểm với ông Đặng Hoàng Hải, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh chuyển đổi số thực sự là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh; tuy nhiên thách thức hiện nay là vấn đề thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Một thách thức nữa là người dân hiểu biết về công nghệ thông tin chưa cao; nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế….

Rõ ràng chỉ một mình hệ thống giáo dục đào tạo tổ chức vận hành thì rất khó thành công. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp công nghệ với thế mạnh của mình sẽ góp phần hỗ trợ xây dựng nền tảng hạ tầng cũng như tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. “Chương trình đào tạo chuyển đổi số chắc chắn sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao hơn. Sau chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tất yếu phải có đề án chiến lược chuyển đổi số cho đào tạo. Chúng ta phải đi theo chiến lược bài bản, cụ thể thế nào thì phải tính toán cho thật kỹ lưỡng” – ông Dũng khuyến nghị.

Minh Anh