Chạy đua vào Nhà Trắng – Cuộc đua đắt đỏ…
Để thẳng tiến vào Nhà Trắng, các ứng cử viên chính trị ở Mỹ đã phải ra sức huy động hàng trăm triệu USD để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình
Theo thống kê của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC), trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2020, các ứng cử viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã huy động được số tiền kỷ lục 3,7 tỉ USD và chi hết 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên con số 3,7 tỉ USD này là số tiền từ tất cả những người đang tranh cử tổng thống chứ không phải chỉ riêng chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Nếu như giai đoạn mùa xuân, ông Donald Trump nắm giữ lợi thế tài chính kếch xù còn ông Joe Biden gần như bị phá sản sau cuộc tranh cử của đảng Dân chủ thì nay tình thế đã đảo ngược hoàn toàn. Ở thời điểm hiện tại, ông Joe Biden và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, cùng với các nhóm gây quỹ liên kết của họ đã huy động được 952 triệu USD; trong khi đó ông Donald Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa huy động được 60 triệu USD. Trước đó bà Hillary Clinton cũng từng huy động được 586 triệu USD trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Một điều dễ nhận thấy là các nhà tài trợ nhỏ luôn đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ bầu cử của tất cả các ứng cử viên Tổng thống. Ông Ellen Weintraub – Ủy viên FEC cho biết đây thực sự là một hiện tượng. Có rất nhiều nhà tài trợ nhỏ thường xuyên đóng góp các khoản tiền nhỏ vì họ nhiệt tình ủng hộ ứng viên của mình. Thống kê của FEC cho thấy số tiền cao nhất mà một cá nhân hoặc một tổ chức quyên góp trực tiếp cho một ứng cử viên tổng thống là 2.800 USD và chỉ người Mỹ mới có thể quyên góp, ứng viên không được nhận tiền từ các nguồn nước ngoài.
Không giống như các quốc gia khác, Mỹ hoàn toàn không đưa ra quy định về thời điểm các ứng cử viên triển vọng bắt đầu đứng ra thu hút các cử tri tiềm năng. Điều này đồng nghĩa với chiến dịch của một ứng cử viên Tổng thống sẽ được bắt đầu trước ngày bầu cử ít nhất một năm rưỡi và việc tài trợ cho chiến dịch trong thời gian dài như vậy sẽ rất tốn kém.
Thông thường, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động tranh cử khắp 50 tiểu bang; thậm chí các ứng cử viên nặng ký còn có hẳn một văn phòng ở mỗi tiểu bang do nhân viên điều hành. Bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 hoành hành, việc đi lại bị hạn chế nên quảng cáo trên TV trở thành công cụ quan trọng. Theo đó các ứng cử viên đã đổ rất nhiều tiền vào các chiến dịch quảng cáo ca ngợi ứng viên hoặc bêu xấu đối thủ. Ngoài quảng cáo quốc gia, ứng cử viên cũng chi tiền cho các thông điệp được điều chỉnh để gửi đến các cử tri cụ thể ở một số bang nhất định.
Tuy nhiên, các quảng cáo được tài trợ bởi các khoản quyên góp trong chiến dịch tranh cử của mỗi ứng cử viên không phải là những quảng cáo duy nhất mà người Mỹ nhìn thấy trên TV trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Các ủy ban hành động chính trị chỉ chi tiêu độc lập – Super PAC chính là các nhóm ủng hộ một ứng cử viên hoặc sáng kiến chính trị nhất định bằng cách vận động cơ bản, chẳng hạn như sản xuất quảng cáo truyền hình. So sánh hình thức tài trợ giữa Super PAC và chiến dịch của chính ứng cử viên có thể thấy không có giới hạn về số tiền mà một nhà tài trợ có thể rót vào Super PAC. Các quy tắc về số tiền mà chiến dịch của ứng cử viên có thể chấp nhận trong các khoản đóng góp được cho là nhằm ngăn ngừa các tình huống mà các nhà tài trợ có thể cố gắng “mua” một ứng viên và mong đợi những quyết định có lợi từ họ.
Linh Lan