Đảm bảo chất lượng hàng hoá và xuất xứ nông sản khi xuất sang Châu Âu

Dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường châu Âu (EU) còn rất lớn khi Việt Nam thực thi EVFTA. Song các yêu cầu về chất lượng, xuất xứ vẫn là những yêu cầu buộc nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) xuất phải tuân thủ.

Theo ông Lê Duy Minh – Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào EU còn rất lớn nhờ những lợi thế mà EVFTA mang lại. Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm trở lại đây. Ngay sau khi thực thi EVFTA vào tháng 8/2020 đã có những lô hàng nông sản như tôm, trái cây… xuất khẩu sang EU tận dụng ưu đãi thuế 0%.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, hiện đơn hàng xuất khẩu sang EU của DN đang tăng. Nhiều nhà nhập khẩu EU trước đây mua hàng nông sản của Thái Lan nay chuyển sang nhập hàng Việt Nam vì không phải đóng thuế nhập khẩu. Giá thành rau quả Việt Nam tại EU thấp hơn, tiêu thụ tốt nên nhà nhập khẩu cũng mua hàng nhiều hơn.

Hiệp định EVFTA thực sự sẽ là cơ hội vàng, tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu nhóm hàng này đặc biệt với các sản phẩm có thể mạnh có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hồ tiêu, các sản phẩm gỗ… Trước đây rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng đường hàng không, cước phí rất cao cộng giá hàng hóa, rồi dùng đó làm căn cứ tính thuế nhập khẩu làm tăng giá thành. Do vậy, việc thuế suất về 0% tạo ra lợi thế rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Hiệp định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Với rau quả, EU không giới hạn mặt hàng và sản lượng nhập khẩu, miễn có xuất xứ Việt Nam, có hợp đồng mua bán. Ngoài ra, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh về giá.

Theo ông Lê Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam cho biết, trước khi EVFTA có hiệu lực, mật ong Việt Nam xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế suất 0% nhưng đây là một thị trường rất khó tính, kiểm soát chặt chẽ nhiều chỉ tiêu mà những thị trường khác không cần nên sản lượng xuất khẩu rất hạn chế. Do vậy, để khai thác được thị trường EU, nông dân cần sự hướng dẫn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, còn DN phải thay đổi công nghệ chế biến để đạt chuẩn EU. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng DN, mà cả ngành. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc.

Bên cạnh đó, nông sản Việt vào EU cần đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi hưởng ưu đãi. Một số ngành hàng hiện nay của Việt Nam có nguy cơ khó đáp ứng các quy định về xuất xứ. Chẳng hạn trong ngành điều, EU xem công đoạn gia công bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn nên bắt buộc mặt hàng điều nhân của Việt Nam muốn đạt nguồn gốc xuất xứ phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước. Trong khi đó, lâu nay, nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chế biến điều Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San (Đồng Nai) hiện Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES- Cert (Đức) đã cấp chứng nhận cho 3,5ha tiêu của HTX đạt chuẩn hữu cơ. HTX đang chuyển hướng sản xuất hồ tiêu sạch theo chuẩn hữu cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU còn rất giàu tiềm năng này. Chính nhờ xây dựng được dự án cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu sản xuất theo chuẩn GlobalGAP, vài năm trở lại đây, HTX đã xuất khẩu tốt sản phẩm hồ tiêu sạch vào thị trường EU.

Nhìn vào tiềm năng về nông sản của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, các khâu hậu cần, sau thu hoạch, logistics, nông sản Việt Nam còn nhiều điểm cần khắc phục. Ngoài ra, yếu tố quyết định là xây dựng được những chuỗi nông sản không chỉ đạt chuẩn mà còn phải ổn định về chất lượng. Ở đây, vai trò của DN xuất khẩu rất quan trọng. Họ cũng phải thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng lẫn việc giám sát toàn bộ các yếu tố trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Từ phía các DN nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Quan tâm về vấn đề nghiên cứu thị trường, tìm hiểu từng nước, từng vùng họ đang cần mặt hàng nào. Vấn đề này, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các DN, đặc biệt là các tham tán thương mại tại các nước EU.

Thanh Sơn