Hội đồng Ngân hàng Thế giới phê duyệt 12 tỷ USD tài trợ cho các nước đang phát triển để điều trị COVID-19
Ngân hàng Thế giới cho biết ban điều hành của họ đã thông qua vào thứ Ba (13/10) khoản tài trợ mới trị giá 12 tỷ USD cho các nước đang phát triển để tài trợ cho việc mua và phân phối vắc xin COVID-19, các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho công dân của họ.
Kế hoạch tài trợ này, một phần trong tổng nguồn lực 160 tỷ USD mà Ngân hàng thế giới đã cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6 năm 2021 để giúp họ chống lại đại dịch COVID-19.
Ngân hàng Thế giới cho biết chương trình tài trợ sẽ bao gồm hỗ trợ kỹ thuật cho các nước tiếp nhận để họ có thể chuẩn bị cho việc triển khai vắc xin trên quy mô lớn, đồng thời sẽ báo hiệu cho các công ty dược rằng sẽ có nhu cầu mạnh mẽ và nguồn tài chính dồi dào cho vắc xin COVID-19 ở các nước đang phát triển.
Ngân hàng cho biết trong một tuyên bố: “Gói tài trợ này giúp báo hiệu cho ngành nghiên cứu và dược phẩm rằng công dân ở các nước đang phát triển cũng cần tiếp cận với vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả. Nó cũng sẽ cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật để các nước đang phát triển có thể chuẩn bị cho việc triển khai vắc xin trên quy mô lớn, phối hợp với các đối tác quốc tế.”
Tiếp cận với vắc xin an toàn và hiệu quả “và hệ thống phân phối được củng cố là chìa khóa để thay đổi diễn biến của đại dịch và giúp các quốc gia đang trải qua các tác động kinh tế và tài chính thảm khốc tiến tới phục hồi một cách linh hoạt”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong tuyên bố.
Khoản tài trợ này “cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia tiếp cận với các xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19, đồng thời mở rộng năng lực tiêm chủng để giúp các hệ thống y tế triển khai vắc xin một cách hiệu quả”, tuyên bố cho biết thêm.
Việc phê duyệt tài chính đã được mong đợi vì Malpass đã công bố dự án vào cuối tháng 9.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Figaro của Pháp, ông Malpass lưu ý rằng các nước cần phải chuẩn bị vì quy trình phân phối vắc-xin phức tạp.
Theo tuyên bố, cách tiếp cận của Ngân hang dựa trên “kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các chương trình tiêm chủng quy mô lớn đối với các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, cũng như các chương trình y tế công cộng để giải quyết các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị bỏ qua”.
Minh Anh