Tác động của Covid – 19 tới nước Mỹ: Người giàu sẽ giàu thêm, người nghèo càng nghèo hơn….
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Chính sách ( IPS), trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid – 19 hoành hành (từ ngày 18/3 đến 15/9/2020), tài sản của các tỷ phú Mỹ đã tăng thêm 29% so với trước khi có dịch. Con số này phần nào cho thấy dịch bệnh thế kỷ khiến hàng triệu người Mỹ khánh kiệt nhưng lại “bỏ qua” túi tiền của nhiều tỷ phú ở xứ cờ hoa
Cụ thể trong gần 6 tháng qua, khối tài sản của Elon Musk đã tăng thêm hơn 67,4 tỷ USD, giá trị tài sản ròng tăng 273,8%. Không kém cạnh, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng bỏ túi thêm 49,9 tỷ USD, tổng tài sản tăng 83,9%. Còn tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos kiếm được nhiều tiền đến mức vào tháng 8 ông đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử có khối tài sản vượt hơn 200 tỷ USD. Với khối tài sản kết xù này, Jeff Bezos hoàn toàn không có đối thủ trên đường đua tỷ phú thế giới
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8/2020 đã giảm xuống còn 8,4%, khả quan hơn so mức 10,2% trong tháng 7 song xứ cờ hoa vẫn phải chứng kiến 11,5 triệu việc làm bị mất (tương đương 7,6% lực lượng lao động) so với thời điểm trước khi bùng phát đại dịch. Theo kết quả một cuộc khảo sát, 29 triệu người trưởng thành cho biết hộ gia đình của họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên không đủ ăn; 15 triệu người thuê nhà đang chậm chi trả; công nhân nơm nớp lo sợ sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Nhà kinh tế học, Tiến sĩ Jared Bernstein cho rằng để thấy được thực trạng của nền kinh tế hiện tại, chỉ cần nhìn vào hai xu hướng đang tăng lên khá vững chắc là chứng khoán và nạn đói. Bất chấp khủng hoảng của nền kinh tế kể từ đợt suy giảm đầu tiên vào tháng 2, giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh trên thị trường chứng khoán góp phần mang đến khối tài sản kết xù cho nhiều tỷ phú Mỹ. Đơn cử tài sản của Elon Musk tăng chóng mặt là do giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tăng đột biến.
Kết quả này cũng phần nào phản ánh một thực tế rằng trong khi các công ty công nghệ và doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà hồi phục thì ngược lại, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ – du lịch, giải trí, ẩm thực… vẫn đang lao đao trong khủng hoảng. “Nền kinh tế đang phục hồi theo mô hình chữ K, nghĩa là có sự phân tầng rõ rệt giữa những người ở trên cùng so với những người ở giữa và những người ở dưới cùng. Với mô hình này, người giàu sẽ giàu thêm, trong khi đó người nghèo càng nghèo hơn do tác động của dịch bệnh” – Tiến sĩ Jared Bernstein nhận định.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã đề xuất một số ý tưởng nhằm cân bằng sự hồi phục, cân bằng mô hình chữ K; đơn cử như: tung thêm các gói hỗ trợ kinh tế; triển khai các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn. Ngoài ra Tiến sĩ Jared Bernstein, Tiến sĩ Emmanuel Saez đến từ Đại học California – Berkeley, Tiến sĩ Elizabeth Warren – Thượng nghị sỹ bang Massachusetts cũng như các chính trị gia, các nhà hoạt động khác còn kiến nghị đánh thuế tài sản người giàu để giúp bù đắp sự thiếu hụt ngân sách do đại dịch Covid – 19 gây ra ở các bang như New York.
Ngược lại cũng có các chuyên gia, chính trị gia phản đối vì cho rằng đánh thuế tài sản sẽ khó thực thi. “Lúc này những người giàu lại giàu thêm vì cuộc khủng hoảng đã hạn chế cơ hội chi tiêu của họ” – Tiến sĩ Emmanuel Saez nhận xét.
Hùng Trần