Thế chân Uber, liệu Go-Viet có xứng tầm kỳ phùng địch thủ của Grab?
Sau khi thâu tóm Uber, Grab trở thành “kẻ độc quyền” trên thị trường gọi xe công nghệ. Tuy nhiên từ sau sự kiện Go-Viet chính thức ra mắt vào giữa tháng 9 vừa qua, “thế trận” đã trở nên khác đi.
Trong bối cảnh thị trường ứng dụng đặt xe Việt Nam đang “khát” một nhân tố mới để phá vỡ thế độc quyền của Grab thì đối thủ mới Go-Viet với sự hậu thuẫn của “ông lớn” Go-Jek (Indonesia) đã chính thức chào sân thị trường. Nếu Grab được định giá ở mức 6 tỷ USD thì với định giá 5 tỷ USD, Go Jek cũng không hề thua kém chút nào. Nếu phía sau Grab thấp thoáng bóng của những “người khổng lồ” như Didi, Softbank, Huyndai, Toyota thì Go-Jek cũng đã có Google, Tencent, JD… chống lưng. Nếu Grab có lợi thế cạnh tranh hơn về mặt thị trường hoạt động thì Go-Jek lại có mạng lưới phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dùng hết sức hiệu quả. “Kẻ tám lạng, người nửa cân” khiến cuộc chơi trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều; tuy nhiên “ngôi vương” thuộc về ai thì còn phụ thuộc vào mức độ chịu chi của các bên tham gia.
Chỉ sau 6 tuần ra mắt, Go – Viet đã đạt 35% thị phần trong dịch vụ gọi xe hai bánh tại Tp.HCM với 1,5 triệu lượt tải ứng dụng. Đặc biệt chỉ sau hơn một tháng thí điểm, Go – Viet đã có 25.000 đối tác xe ôm công nghệ. Đây quả thực là những con số rất ấn tượng đối với một tân binh mới gia nhập thị trường. Nhiều người kỳ vọng sự xuất hiện của Go-Viet sẽ mang đến một làn sóng cạnh tranh khốc liệt giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ và dĩ nhiên khi đó khách hàng sẽ trở thành “ngư ông đắc lợi”.
Trước áp lực bị hăm he soán ngôi, Grab không thể không để mắt đến đối thủ đáng gờm Go-Viet. Ngay khi Go-Viet chỉ mới chạy thử nghiệm tại Tp.HCM, Grab đã buộc phải có sự điều chỉnh thông qua việc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cũng như chương trình khuyến mãi để giữ chân tài xế và khách hàng. Các chương trình mà Grab tung ra rất giống về thời gian triển khai, nội dung ưu đãi, thậm chí sốc hơn cả Go-Viet đang thực hiện
Cụ thể tại thời điểm ra mắt, khi Go-Viet áp dụng chương trình đồng giá cước 5.000 đồng, sau đó tăng lên 9.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km (áp dụng cho dịch vụ Go-Bike) thì Grab liền tung chiêu để bám sát đối thủ bằng chương trình khuyến mãi đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km cho dịch vụ Grab-Bike. Như vậy ngay khi đối thủ áp dụng tăng giá cước, Grab liền cập nhật chương trình rẻ hơn Go-Viet 4.000 đồng/chuyến để thu hút khách hàng.
Không chỉ cạnh tranh khốc liệt trong các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, cuộc chiến giữa Go-Viet và Grab còn gay cấn trên “mặt trận” điểm thưởng nhằm thu hút tài xế. Trong ngày 27/8, Go-Viet điều chỉnh mức tiền thưởng cho tài xế chạy được nhiều cuốc xe lên mức tối đa 300.000 đồng thì Grab cũng không kém cựa, sẵn sàng nâng hạng lên 300.000 đồng.
Tại thị trường Hà Nội, nếu Go-Viet tung chiêu thưởng 45.000 đồng/cuốc xe trong ngày đầu ra mắt 12/9 cho tài xế Go-Bike thì sau đó 1 ngày, Grab cũng tung ra gói thưởng lên tới 200.000 đồng/ngày cho tài xế chạy được 16 chuyến. Nhiều khách hàng tại Hà Nội cho biết thời điểm Grab-Bike chạy chương trình khuyến mại 5.000/chuyến tại Tp.HCM để cạnh tranh với Go-Viet thì tại thị trường Thủ đô họ cũng nhận được chương trình giảm giá từ hãng này với 25.000/một chuyến bất kỳ, áp dụng tối đa 30 chuyến trong suốt tháng 9. Những chương trình giảm giá sâu với thời gian kéo dài như vậy của Grab thật sự là điều hiếm thấy kể từ khi Uber rời khỏi Việt Nam.
Có thể thấy trong bối cảnh thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đang “khát” một nhân tố mới để phá vỡ thế độc quyền của Grab thì sự xuất hiện của tân binh Go-Viet đã thổi một làn gió mát lành. Các khách hàng kỳ vọng Go-Viet sẽ thay thế cho Uber trước kia trở thành kỳ phùng địch thủ với Grab để họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Tuy nhiên đây mới chỉ là màn khởi động, còn trong dài hạn Go-Viet có thể trụ vững và cạnh tranh ngang ngửa với Grab hay không thì vẫn phải cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Theo : Victor Thai