Anh đang mạo hiểm với nguy cơ Brexit thiếu lương thực, suy thoái và sự cô lập
Trong 4 năm trôi qua kể từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), các nhà điều hành doanh nghiệp đã liên tục đưa ra một thông điệp cho các nhà lãnh đạo chính trị Anh đó là: Trong bất kỳ trường hợp nào, đừng rút khỏi thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta mà không có thỏa thuận bảo hộ thương mại.
Giờ đây, sau các cuộc đàm phán căng thẳng dẫn đến cuộc ly hôn với EU vào đầu năm nay, Thủ tướng Boris Johnson đã kích động một cuộc đối đầu với Brussels có thể biến viễn cảnh ác mộng “Brexit không có thỏa thuận” thành hiện thực.
Chính phủ Anh trong tuần này cho biết họ có ý định phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận ra đi vốn được nhất trí với EU vào cuối tháng 1/2020. Các quan chức EU đã cho ông Johnson đến cuối tháng này để từ bỏ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của ông.
Nếu ông từ chối, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU để thay thế thỏa thuận chuyển tiếp hết hạn vào cuối năm 2020 có khả năng sụp đổ, gây ra nguy cơ hỗn loạn biên giới và thiếu lương thực, dấu chấm hết cho sự phục hồi mong manh của đất nước sau cuộc suy thoái sâu nhất trong kỷ lục và nhiều năm tăng trưởng âm thầm tiếp theo.
Hơn nữa, việc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế sẽ khiến các quốc gia khác phải suy nghĩ kỹ trước khi trao cho Anh các thỏa thuận thương mại tự do mà nước này rất cần, gây tổn hại đến danh tiếng của quốc gia này như là một quốc gia có chuẩn mực về pháp quyền và khiến họ trở thành một điểm đến kém hấp dẫn hơn cho các công ty khởi nghiệp và đầu tư nước ngoài.
David Henig, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu, cho biết: “Đối với một quốc gia mà không có bất kỳ suy nghĩ thực sự nào về việc nó sẽ đi đến đâu, thì việc đưa nhiều thứ lên cao như vậy là điều hết sức bất thường và vô cùng đáng lo ngại.
Nguy cơ không thỏa thuận
Không có thỏa thuận thương mại nào dành cho Vương quốc Anh có thể mang lại lợi ích như việc tiếp tục trở thành thành viên của EU, khu vực thị trường chung lớn nhất thế giới và là điểm đến của 43% hàng xuất khẩu của Anh. Việc Anh rời khỏi khối có nghĩa là chi phí cao hơn cho các công ty Anh trong bất kỳ trường hợp nào.
Việc có được một thỏa thuận thương mại mới với EU sẽ giúp hạn chế thiệt hại thêm cho các doanh nghiệp khi họ cố gắng hết sức để phục hồi sau đại dịch COVID-19 vốn làm GDP của Anh giảm hơn 20% trong quý thứ hai, mức sụt giảm tồi tệ nhất trong kỷ lục và sâu nhất của bất kỳ nền kinh tế phát triển lớn nào.
Đồng bảng Anh lao dốc
Các nhà đầu tư đã bị xáo trộn bởi các sự kiện gần đây. Bảng Anh đã giảm 4% so với đồng USD xuống 1 bảng Anh được bán ra ở mức 1,28 USD kể từ đầu tháng 9. Theo các nhà phân tích tại Capital Economics, tỷ giá này có thể giảm thêm 10% xuống 1 bảng Anh/1,15 USD trong kịch bản “Brexit không có thỏa thuận”.
Các ngành công nghiệp đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng. Trong tháng này, các công ty vận tải và vận tải đường bộ đưa hàng hóa vào Anh cho biết họ đang mù mờ về các hệ thống CNTT sẽ được sử dụng cho việc khai báo hải quan, cũng như những thay đổi đối với cơ sở hạ tầng ở biên giới. Hiện không còn đủ thời gian để thuê hàng chục nghìn nhân viên hải quan trước khi kết thúc năm 2020.
Hiệp hội Bán lẻ Anh tuần này cho biết người tiêu dùng nên chuẩn bị cho giá cả cao hơn và giảm khả năng cung cấp sản phẩm, cảnh báo rằng sự ra đi không có thỏa thuận với châu Âu sẽ dẫn đến sự gián đoạn tồi tệ hơn đại dịch COVID-19. Nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm từ châu Âu, vốn sẽ phải chịu mức thuế trung bình là 22%, hiện là mức cao nhất vào tháng 1.
Nước nào mong muốn một thỏa thuận thương mại?
Quyết định của ông Johnson về việc thay đổi các phần của thỏa thuận ly hôn có thể giúp xoa dịu một số thành viên trong Đảng Bảo thủ của ông, nhưng nó cũng có thể làm suy yếu khả năng của Anh trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại mới trong những năm tới.
Anh sẽ không còn nằm trong các thỏa thuận thương mại do EU đàm phán vào cuối năm nay và nước này đang cố gắng khôi phục càng nhiều càng tốt những thỏa thuận đó càng tốt, đồng thời theo đuổi các thỏa thuận mới với các nước không có thỏa thuận với EU, chẳng hạn như Mỹ.
Tuy nhiên, việc cố ý vi phạm luật pháp quốc tế khiến các chính phủ khác ít có khả năng hợp tác với Anh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quan chức quyền lực nhất trong Đảng Dân chủ, lo ngại rằng một động thái nhằm bác bỏ thỏa thuận ly hôn có thể phá hoại nền hòa bình mong manh trên đảo Ireland (Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Những gì xảy ra tiếp theo có khả năng đặt nền kinh tế Anh trên một lộ trình trong nhiều năm tới. Hiện chỉ còn vài tuần nữa để đạt được một thỏa thuận thương mại mới và tránh các mức thuế mới cũng như các rào cản khác.
Bảo Nguyên