Cảnh báo làn sóng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng
Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bùng phát khiến hầu hết các ngành sản xuất đều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và buộc phải tiết giảm tối đa mọi chi phí, cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất….
Kết quả cuộc khảo sát lần thứ ba được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tiến hành giữa tháng 8 cho thấy làn sóng dịch thứ hai đã vắt kiệt “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp khi có đến 76% số doanh nghiệp dù hoạt động song không cân đối được thu-chi, dẫn đến việc mất cân đối dòng tiền, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh các ngành dịch vụ, hàng không, du lịch…; 20% số doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh; 2% số doanh nghiệp đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Báo cáo khảo sát của Ban IV nêu rõ Covid-19 tác động đến tất cả các ngành kinh tế, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường khủng hoảng… Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải gồng mình gánh chịu áp lực kép vừa duy trì sản xuất vừa phải đảm bảo các khoản chi cho nguyên vật liệu, trả lương cho người lao động…Song hệ luỵ nghiêm trọng hơn là làn sóng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Nếu như ở đợt dịch đầu tiên, doanh nghiệp có thể cầm cự, không sa thải lao động thì ở đợt dịch thứ hai này có đến 47% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu như hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé phải sa thải toàn bộ nhân viên thì ở các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tỷ lệ này là 80% và 40-50% đối với các doanh nghiệp lớn.
Đồng cảnh ngộ, các ngành nhựa, hồ tiêu, rau quả xuất khẩu, chế biến gỗ – đồ thủ công mỹ nghệ …cũng buộc phải cắt giảm lao động. Đa phần các doanh nghiệp, hiệp hội đều cho rằng để tồn tại cho đến hôm nay là nỗ lực cực kỳ lớn nhưng để có thể giữ người lao động, nhất là các nhân sự cao cấp thì họ phải nỗ lực hơn gấp bội. Dẫu biết “con người là vốn quý”, mất nhân lực đồng nghĩa với doanh nghiệp suy giảm về nội lực song áp lực phải chi trả lương cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản phí liên quan tới công đoàn trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm, gánh nặng lãi vay ngân hàng khiến doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác.
Trước tình hình trên, Ban IV đề xuất trong các gói hỗ trợ về sau Chính phủ cần chú trọng nhiều hơn tới việc củng cố niềm tin, khích lệ tinh thần doanh nghiệp. Điều quan trọng là trong quá trình thực thi chính sách cần phải ưu tiên đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên hàng đầu. Thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp trên bờ vực phá sản thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên hướng tới giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra; qua đó giúp họ có thể tự cân đối, sử dụng nguồn vốn eo hẹp của mình để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra Ban IV cũng đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm nay không quá 200 tỷ đồng. Chính phủ cũng cần xem xét giãn, hoãn thêm các khoản phải nộp cho doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kéo dài thời gian nộp tiền thuê đất sau khi Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp hồi tháng 4 (kéo dài đến cuối năm) kết thúc. Miễn đóng phí công đoàn năm 2020 và 2021 thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng sau dịch; kéo dài thời gian áp dụng giá điện sản xuất cho doanh nghiệp du lịch và logistic thay vì chỉ áp dụng 5 tháng theo chính sách hỗ trợ hồi đầu năm. Doanh nghiệp cũng đề xuất các ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp; ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại; khoanh, giãn thời gian trả nợ…
Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng ít nhất hết năm 2021; đồng thời cân đối ngân sách, điều chỉnh mục tiêu thu, chi ngân sách nhà nước để tránh tình trạng doanh nghiệp có thể bị tận thu thông qua tiền thuê đất, các khoản phí, thuế hoặc chịu nhiều đợt thanh, kiểm tra để rà soát tăng thu ngân sách Nhà nước. Về phía các Bộ, ngành không tăng phí, giá dịch vụ do nhà nước quy định; hạn chế tối đa thanh, kiểm tra…gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Kim Phương