Thị trường dịch vụ logistics Việt Nam – “Miếng bánh ngon” vào tay …doanh nghiệp ngoại
Với hệ thống cảng biển quốc tế lớn và hiện đại, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá là “miếng bánh” vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp Việt không chủ động vươn lên khai thác tiềm năng, thị phần sẽ mãi nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài…
Doanh nghiệp Việt lép vế ngay trên “sân nhà”
Ngày 19/8/2020, Tập đoàn Bất động sản Logistics LOGOS – thành viên của Công ty quản lý quỹ ARA (trụ sở tại Sydney – Australia) đã công bố thành lập liên doanh đầu tiên tại Việt Nam: LOGOS Vietnam Logistics Venture. Liên doanh này có tổng vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 350 triệu USD, giữ nhiệm vụ phát triển các dự án bất động sản logistics tại Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Ông Trent Iliffe – Tổng Giám đốc điều hành LOGOS nhận định: “Chuyển đến Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong chiến lược tăng trưởng khu vực của LOGOS dựa trên nhu cầu của khách hàng. Việc có thể thành lập một liên doanh mới giữa đại dịch Covid-19 là minh chứng cho câu chuyện tăng trưởng thú vị của Việt Nam”
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cao cấp Học viện Tài chính, vài năm trở lại đây, việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics của Việt Nam được đề cập khá thường xuyên. Trên thực tế, thị trường logistics Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng, là “miếng bánh ngon” song các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa khai thác hết. “Hiện cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm tới hơn 90%; chưa đầy 10% còn lại là các doanh nghiệp logistics nước ngoài song các doanh nghiệp này lại chiếm lĩnh đến 80% thị phần logistics trong nước. Đây thực sự là những con số đối trọng nhau” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên do các doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về vốn, số lượng nhiều nhưng chất lượng không cao; không có kho chứa hay thiết bị, máy móc để đáp ứng yêu cầu logistics, thời gian tồn tại không lâu. Bên cạnh đó, suy nghĩ và đầu tư chưa tương xứng với bản chất logistics… Ngoài ra, cũng do chính tập quán mua bán của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đã vô tình “giết chết” doanh nghiệp logistics trong nước. Nếu doanh nghiệp sản xuất Việt Nam bán hàng với giá FOB (giao hàng tại cảng) thì người mua (doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài) sẽ là người chỉ định thuê tàu vận chuyển, nên họ chỉ định tàu nước họ chứ không chọn tàu Việt Nam làm gì. Tương tự như vậy, thói quen của doanh nghiệp Việt Nam từ lâu khi nhập khẩu nguyên liệu, mua hàng hóa là mua giá CIF (người bán là doanh nghiệp nước ngoài sẽ chịu mọi chi phí vận chuyển hàng hóa đến cảng của người mua) vì thế nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ thuê hãng tàu nước ngoài.
Chính thói quen doanh nghiệp bán FOB mua CIF ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tàu biển của Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bán giá CIF, mua giá FOB để tạo điều kiện cho hãng tàu nội song phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn có xu thế chuộng ngoại, thích thuê nước ngoài lo logistics do họ có sẵn máy móc, phương tiện, công cụ, kinh nghiệm tốt hơn. “Đó là lý do khiến các đơn hàng lớn đều rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Còn các doanh nghiệp logistics Việt đã nhỏ bé, muốn lớn cũng không dễ”– PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Đấu tranh lấy lại thị phần
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), những năm gần đây tốc độ phát triển của ngành logistics trong nước đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Đáng buồn là hơn 35 tỉ USD trong số này đã thuộc về các doanh nghiệp FDI, đồng nghĩa với phần ngon nhất của miếng bánh logistics đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hữu.
“Câu chuyện doanh nghiệp logistics đang tự bơi trên sân nhà không còn là câu chuyện mới mẻ. Tuy nhiên nếu chúng ta cứ để mặc các doanh nghiệp tự bơi như vậy sẽ khó có được ngành công nghiệp logistics hiện đại. Để giúp các doanh nghiệp logistics trong nước dần lấy lại thị phần thì thay đổi tư duy là yêu cầu tiên quyết. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất lớn cần nhận thức rõ logistics là bộ phận kéo dài của sản xuất – yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo gia tăng giá trị, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp… Có như vậy doanh nghiệp mới có sự đầu tư lâu dài, họ có thể tự mình đầu tư vào hệ thống logistics riêng hoặc đầu tư cho các doanh nghiệp logistics Việt” – PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị
Cũng theo ông Thịnh, để có thể cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp FDI đòi hỏi doanh nghiệp logistics trong nước phải đồng tâm hợp lực, liên kết lại với nhau để gia tăng tiềm lực về vốn, công nghệ, cơ sở vật chất. Ngoài ra việc các doanh nghiệp logistics Việt liên kết với doanh nghiệp ngoại cũng là một phương thức cạnh tranh hữu hiệu. Về phía nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện để ngành logistics trong nước lớn mạnh thông qua các chính sách mở cho phép doanh nghiệp tiếp cận được đất đai, cho thuê đất với giá ưu đãi….
Linh Lan