Dịch Covid – 19 tái bùng phát, doanh nghiệp hàng không chưa kịp mừng đã vội lo
Vốn được ví von là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận song đại dịch Covid – 19 với quy định hạn chế đi lại và đóng cửa các chặng bay quốc tế đã đẩy các doanh nghiệp hàng không vào cơn bĩ cực.
Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) dự báo năm 2020 lượng khách luân chuyển trên toàn thế giới giảm 54,7% so với năm 2019, 419 tỷ USD doanh thu sẽ “bốc hơi” và các hãng hàng không lỗ trên 84 tỷ USD (trong khi mức lãi cả năm 2019 ước 25,9 tỷ USD). Tình trạng thua lỗ này sẽ kéo dài sang năm 2021 với mức lỗ dự kiến hàng chục tỷ USD và phải đến giữa năm 2022 ngành hàng không mới phục hồi quy mô như năm 2019.
Tại Việt Nam, tác động của dịch Covid-19 đến ngành hàng không rất rõ nét.
Không lâu sau khi Covid-19 tái bùng phát, các hãng hàng không đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 và 6 tháng đầu năm 2020 với những con số rất ảm đạm. Ngoại trừ Vietjet có lãi lớn nhờ đẩy mạnh hoạt động thương mại tàu bay và hoạt động tài chính thì kết quả kinh doanh chung của toàn ngành – từ sân bay, các hãng hàng không đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ – tiếp tục bị tác động nặng nề
Cụ thể trong báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines quý II cho thấy, doanh thu thuần đạt chưa tới 6.000 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Nếu so với quý I, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đã sụt giàm tới 70%. Thu không đủ bù chi, khiến Vietnam Airlines lỗ trước thuế gần 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả kinh doanh kém nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines. Tính chung, lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines thu về 24.800 tỷ đồng doanh thu, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, ghi nhận lỗ trước thuế là 6.534 tỷ đồng và lỗ sau thuế chưa phân phối là 4.264 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.271 tỷ đồng.
Về phía Vietjet, kết thúc quý II/2020, trong bối cảnh đại dịch, hãng hàng không giá rẻ ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, và mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt 12.200 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 73 tỷ đồng và mức lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng. Kết quả này được ghi nhận là rất tích cực trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục hơn 84 tỷ USD.
Nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản, các khoản đầu tư tài chính, giúp tăng doanh thu tài chính 1.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng năm trước và cải thiện đáng kể so với mức lỗ 989 tỷ đồng của quý I
Năm 2020, Vietjet trình kế hoạch doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng. Đến cuối năm nay, hãng dự kiến khai thác 90 tàu bay, tăng 12 chiếc so với cuối năm 2019. Hãng dự kiến khai thác 118.000 chuyến bay và phục vụ 20,2 triệu hành khách. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, hãng hàng không giá rẻ vẫn sẽ tiếp tục triển khai các chương trình mua, sở hữu tàu bay bởi những chính sách tốt của Nhà nước cũng giúp hãng có điều kiện phát triển đội tàu.
Không công bố con số cụ thể nhưng khó khăn của Bamboo Airways cũng thể hiện rõ qua kết quả hợp nhất của công ty mẹ FLC Group. Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, trong quí II/2020 Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần 1.722 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kì năm ngoái. Lỗ gộp quí vừa qua là 742 tỉ đồng, cao gấp hơn 6 lần số lỗ của quí II/2019. Lỗ gộp nhiều hơn và không có khoản doanh thu tài chính lớn như quí II năm trước nên Tập đoàn FLC lỗ sau thuế 838 tỉ đồng trong khi quí II/2019 có lãi 16 tỉ đồng. Trước đó, FLC cũng ghi nhận mức lỗ gần 1.900 tỷ đồng trong quý I/2020.
Sự sụt giảm mạnh của các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế và gần một tháng cách ly xã hội vào tháng 4 đã khiến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bị thua lỗ hơn 354 tỷ đồng trong quý II/2020, mức lỗ nặng nhất kể từ khi thành lập. Cụ thể, doanh thu bán hàng của ACV trong quý II chỉ đạt hơn 1.046 tỷ đồng, bằng ¼ cùng kỳ năm trước, tức giảm 76,6%, lũy kế 6 tháng tổng doanh thu đạt 4.681 tỷ đồng, giảm hơn 47% cùng kỳ 2019. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu phục vụ hành khách (PSC) giảm 81% cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên ACV kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ gộp 409 tỷ trong quý II, trong khi cùng kỳ 2019 lãi hộp đạt tới 51% tổng doanh thu
Cùng cảnh ngộ với ACV có thể kể đến Công ty Suất ăn hàng không Nội Bài – NCS (lỗ 19 tỷ quý II), Taseco Airs (lỗ 13 tỷ), Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh – CIAS (lỗ 13 tỷ) và Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng – Masco (lỗ 6 tỷ). Vẫn giữ được lợi nhuận dương nhưng Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn và Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco cũng chứng kiến mức sụt giảm nặng nề.
Trong khi các doanh nghiệp vận tải và dịch vụ hàng không rơi vào cảnh điêu đứng thì hoạt động của nhóm các doanh nghiệp logistics hàng không (phục vụ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại các nhà ga hàng hóa hàng không) lại đạt kết quả khả quan hơn nhờ đây là mảng kinh doanh ít chịu tác động so với vận chuyển hành khách. Lũy kế 6 tháng, Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn – SCSC đạt 221 tỷ đồng LNST, giảm nhẹ 8% so với mức 240 tỷ đồng của nửa đầu 2019; tương tự lợi nhuận 6 tháng của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài – NCT cũng chỉ giảm 14% xuống 99 tỷ đồng.
Riêng Công ty CP Tập đoàn ASG ghi nhận mức sụt giảm doanh thu lên đến 40% trong quý II và 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp này cung cấp nhiều dịch vụ hơn nên chịu tác động của dịch lớn hơn.
Trân Nguyễn