Thị trường thủy sản quốc tế và những chuyển động nổi bật
Trong tuần qua, thị trường thủy sản quốc tế ghi nhận nhiều diễn biến nổi bật thể hiện qua loạt thông tin: giá tôm Ấn Độ tiếp tục giảm do nguồn cung tôm Ecuador tràn ngập thị trường từ Dan Gibson; Trung Quốc nghi ngờ nguồn gốc Covid – 19 xuất phát từ thủy sản nhập khẩu; nột công ty thủy sản tại Mỹ buộc phải thu hoạch thủy sản khẩn cấp; Giá cá ngừ ở Thái Lan, Ecuador tăng; doanh nghiệp thủy sản Anh tìm cơ hội trong gian khó…
Tại Ấn Độ, khảo sát của Undercurrent News cho thấy nhiều vấn đề diễn ra trên phạm vi toàn cầu và khu vực sẽ tiếp tục đẩy giá tôm thẻ Ấn Độ sụt giảm trong những tháng tới. Hiện tại giá tôm tại cổng trại đối với tôm nguyên vỏ nguyên đầu (HOSO) của Ấn Độ cao hơn khoảng 0,8 USD/kg so với giá tôm Ecuador cỡ 20/30 con/kg và mức chênh giá còn lên tới 1,2 USD/kg đối với cỡ tôm 40/50 con/kg.
Dựa trên mức giá hiện nay, dự báo giá tôm Ấn Độ sẽ giảm khoảng 0,5 USD/kg với tất cả cỡ tôm trong vài tuần tới nhưng vẫn sẽ cao hơn giá tôm Ecuador. Những tuần gần đây, giá tôm Ecuador biến động dữ dội sau khi các lô hàng tôm của 3 nhà đóng gói tôm lớn tại Ecuador bị phát hiện liên quan đến virus Covid – 19. Ngay lập tức, chính quyền Bắc Kinh ban hành quy định kiểm tra bắt buộc đối với các lô hàng tôm.
Tại Trung Quốc, Trưởng ban dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho rằng đợt bùng phát Covid – 19 gần đây tại Đại Liên nhiều khả năng xuất phát từ thủy sản nhập khẩu có chứa virus Corona. Giả thuyết này đã gây hoang man và làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản. Khi đợt dịch tại Đại Liên tạm lắng xuống, truyền thông Trung Quốc tập trung tìm kiếm nguyên nhân gây dịch. Đợt bùng phát dịch đầu tiên tại Vũ Hán – Bắc Kinh và tại Đại Liên lần này đã đưa thủy sản trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận.
Tại Mỹ, Công ty Atlantic Sapphire buộc phải thu hoạch khẩn cấp thủy sản tại hệ thống nuôi thủy sản tái tuần hoàn ở cơ sở Florida. Dù chưa hoàn thành song hệ thống này vẫn được đưa vào vận hành nuôi trồng thủy sản song song với xây dựng các hạng mục khác. Kết quả tiếng ồn lớn và xung động trong quá trình xây dựng ngay sát khu vực nuôi khiến cá căng thẳng, buộc Atlantic Sapphire phải tiến hành thu hoạch sớm. Tổng cộng có gần 200.000 cá hồi Đại Tây Dương với tổng trọng lượng khoảng 400 tấn (nguyên con và ruột) đã được thu hoạch, tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng 150 tấn đủ điều kiện được đưa tới các nhà máy chế biến và tiêu thụ. Đợt thu hoạch khẩn cấp khiến Atlantic Sapphire thất thoát 55 triệu USD do giá cổ phiếu sụt giảm tới 5,7%.
Tại Thái Lan và Ecuador, các quy định phòng chống dịch Covid – 19 khiến giá cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng tại các trung tâm giao dịch ở hai quốc gia này tăng vọt. Cùng với những khó khăn do Covid-19 gây ra cho hoạt động khai thác, hai khu vực khai thác cá ngừ lớn nhất cũng đã phải đóng cửa một phần theo mùa. Việc đóng cửa khai thác tại các vùng biển Trung và Tây Thái Bình Dương diễn ra từ 1/7 đối với hầu hết các đội tàu khai thác, nhưng cũng vẫn còn hiệu lực đối với một số quốc gia trong khu vực cho đến tháng 10.
Còn tại Anh, thay vì chỉ biết ngồi chờ đợi và hy vọng, các công ty thủy sản đã tận dụng hiệu quả các cơ hội được tạo ra từ Covid – 19. Ông Dan Aherne – Giám đốc điều hành của New England Seafood International (NESI) cho biết mặc dù hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn song đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp truyền cảm hứng và đào tạo khách hàng về tiêu dùng thủy sản.
Giống như các công ty khác trong ngành thường kết hợp giữa bán lẻ và dịch vụ ăn uống, trong khi hoạt động kinh doanh ăn uống của NESI sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch thì mảng bán lẻ lại có sự bùng nổ về doanh thu. Tuy vậy NESI vẫn phải điều chỉnh cấu trúc hàng hóa chào bán trong môi trường giao dịch mới; chú trọng mở rộng các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu tốt, phát triển riêng dòng sản phẩm “Leap”, tung ra hai sản phẩm tại Tesco cũng như ra mắt thương hiệu mới “Fish said Fred”.
Hương Giang