“Ông Tỵ măng cụt” và khát vọng đồng hành phát triển kinh tế quê hương
Nhằm khai thác lợi thế đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, lão nông Nguyễn Văn Tỵ (ngụ xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) đã đi tiên phong phát triển mô hình trồng măng cụt cho năng suất, hiệu quả cao. Với việc mạnh dạn đi đầu khai phá tiềm năng phát triển kinh tế vườn tại địa phương, nhiều năm liền ông Tỵ vinh dự được UBND tỉnh Bình Dương trao danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
Ở xã Thanh Tuyền này, không ai là không biết “ông Tỵ măng cụt” bởi ông là lão nông có tiếng nơi đây với gần 15 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái. Năm 2000, ông cùng vợ tới ấp Suối Cát, gom góp được 30 triệu đồng mua 1,5 ha đất được xem là bỏ hoang nơi đây vì đất bị nhiễm phèn và thường xuyên ngập lụt. Không hề nao núng, ông rửa phèn, cải tạo đất rồi bắt đầu canh tác lúa.
Sau một thời gian nhận thấy trồng lúa chỉ có thể đủ ăn chứ không làm giàu được, ông đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Ở những nơi dừng chân, điều gây ấn tượng mạnh nơi ông Tỵ chính là những vườn măng cụt sum suê trái ở Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương). Có niềm đam mê thôi thúc, năm 2006 ông mày mò nghiên cứu và bắt tay vào trồng 250 gốc măng cụt đầu tiên trên diện tích hơn 1ha đất.
Nhờ kiến thức tích luỹ cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật hết sức hiệu quả từ phía Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương, vườn măng cụt của ông Tỵ sinh trưởng tốt, quả sum suê rất được mùa. Năm 2011, trong mùa thu hoạch đầu tiên vườn măng cụt đã cho 1 tấn trái, giúp ông thu về 30 triệu đồng. Nhận thấy được tiềm năng kinh tế từ loại cây này, ông Tỵ càng bỏ thời gian, công sức nghiên cứu khắc phục những nhược điểm, phát huy ưu điểm để từ đó chăm sóc vườn măng cụt được tốt hơn, cho năng suất cao và chất lượng trái ổn định. Để gốc cây thoát nước tốt, tránh ngập úng vào mùa mưa cũng tiện dẫn nước trong mùa khô, ông thực hiện đào rãnh xen giữa các hàng cây. Định kỳ một năm ông bón phân chuồng hoai mục và NPK cho cây vào 3 thời điểm: lúc cây ra hoa, đậu trái nhỏ và sau khi thu hoạch; tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo chia sẻ của ông Tỵ, cây măng cụt dễ trồng nhưng khó chăm, để cây cho quả sum suê, chất lượng không hề dễ dàng tí nào. Nhiều năm gắn bó với vườn măng cụt, ông rút ra kinh nghiệm nên cho cây ra hoa vào tháng 2 âm lịch, thu quả vào tháng 3, 4 âm lịch hàng năm là thích hợp nhất bởi thời điểm này vừa bán được giá cao vừa tránh thời tiết khắc nghiệt.
Vườn măng cụt 12 năm tuổi được ông nhận VietGap của ông Tỵ
Nhằm đáp ứng nhu cầu trái cây sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng, năm 2017 ông đầu tư xây dựng vườn măng cụt theo quy trình sản xuất sạch và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Với 1,1 ha măng cụt VietGAP, mỗi năm ông Tỵ cung cấp cho thị trường các tỉnh Đông Nam bộ khoảng 2 tấn trái, thu về hơn 100 triệu đồng. Từ năm 2013 tới nay, ông Tỵ đều đặn mang măng cụt đi tham gia Hội thi trái cây ngon – an toàn Nam bộ và đạt nhiều giải thưởng.
Điểm đáng quý là ông Tỵ không hề giấu nghề, bà con trong xã tới học hỏi kinh nghiệm trồng măng cụt ông đều tận tình hướng dẫn nên rất được bà con quý mến; vườn măng cụt của ông cũng trở thành mô hình kiểu mẫu để nhân rộng ra toàn xã Thanh Tuyền. Đến nay trên địa bàn xã có hơn 200 hộ gia đình trồng măng cụt với tổng diện tích hơn 50 ha, trong đó diện tích đã đạt chứng nhận VietGap là 22 ha.
Theo Quy hoạch tổng thể dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch đã được UBND huyện Dầu Tiếng phê duyệt, vùng đặc sản măng cụt của xã Thanh Tuyền sẽ mở rộng gấp 3 lần diện tích hiện tại lên 150 ha. Với quyết tâm đồng hành phát triển cùng kinh tế địa phương, mong mỏi lớn nhất của lão nông Nguyễn Văn Tỵ là có thể cùng bà con trong xã đẩy mạnh phát triển loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao này, từng bước đưa Thanh Tuyền trở thành vùng chuyên canh cây măng cụt lớn ở khu vực Đông Nam bộ.
Theo : Nguyễn Cường