Tỷ giá duy trì ổn định góp phần kiểm soát lạm phát
“6 tháng đầu năm 2020, tỷ giá VNĐ diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0,2-0,3%; Việt Nam đạt mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay…” là những thông tin hết sức khả quan được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo ghi nhận của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ giá duy trì ổn định đã góp phần kiểm soát lạm phát. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng như duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt đây cũng là động lực của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế thời kỳ hậu dịch.
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng vẫn kiên trì mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát, giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; đồng thời điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD. “Qua làm việc trực tiếp và lắng nghe kiến nghị của các địa phương cũng như kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020; các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại. Để hỗ trợ tăng trưởng, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng.
Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm” – Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh
Xoay quanh vấn đề điều hành tỷ giá, nhiều báo cáo phân tích vĩ mô trong nước cũng nhận định trong năm 2020 này Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều thuận lợi để điều hành tỷ giá ổn định.
Theo đó MBS đưa ra dự báo tỷ giá năm 2020 sẽ chỉ tăng nhẹ lên mức 23,351 VND/USD. Tỷ giá khá ổn định thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Áp lực tăng lên tỷ giá sẽ diễn ra vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao do tính mùa vụ.
Tuy nhiên khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ được cải thiện, nhu cầu nắm giữ tiền đồng của nhà đầu gia tăng, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục ổn định và điều chỉnh tăng trong biên độ từ 1-2% trong năm 2021.
Trong khi đó Chứng khoán BVSC cho biết sau nửa đầu năm 2019, VND chỉ mất giá 0,13% so với USD trong khi các đồng tiền khác trong khu vực chịu ảnh hưởng mất giá tương đối mạnh như IDR của Indonesia (mất giá 2,55%); THB của Thái Lan (mất giá 3,19%) và MYR của Malaysia (mất giá 4,89%).
VND ổn định so với USD một phần do nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Cán cân xuất nhập khẩu hiện đang thặng dư khoảng 4 tỷ USD, nguồn thu ngoại tệ từ FDI và kiều hồi cũng không bị giảm quá nhiều trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể lượng vốn FDI được giải ngân đạt khoảng 8,65 tỷ USD (giảm 4,9% với cùng kỳ).
Mai Quỳnh