Mobile Money – Bệ phóng cho Việt Nam tiến đến một xã hội không dùng tiền mặt
Là quốc gia khai sinh ra tiền giấy, tâm lý “tiền mặt là vua” đã ăn sâu trong tâm trí người dân nên Trung Quốc đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc khai tử hình thức thanh toán này. Chính vì vậy để có được một Trung Quốc không tiền mặt ở như hiện nay thực sự là một kỳ tích và đây cũng là hình mẫu lý tưởng cho Việt Nam
Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa với Trung Quốc nên cũng vấp phải nhiều rào cản khi tiến tới xây dựng một xã hội không tiền mặt.
Theo thống kê mới nhất vào cuối năm 2019, 63% người trưởng thành (trên 15 tuổi) đã có tài khoản tại ngân hàng, 72% dân số Việt Nam sử dụng smartphone. Mặc dù so với Trung Quốc, những con số này không phải là quá thấp song tỷ lệ thanh toán không tiền mặt của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Trên thực tế, khi sử dụng các loại hình dịch vụ, mua sắm, phần đông người tiêu dùng vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt, kể cả với thương mại điện tử. Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn nhiều nên hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn chưa phổ biến, dẫn đến việc thanh toán tiền mặt chiếm tới 90%.
Để giảm tỷ lệ này, tăng dần tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên thị trường đã có rất nhiều ví điện tử tự nguyện “đốt tiền” để thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Trong đó Mobile Money sắp được triển khai tại Việt Nam và được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Điểm khác của Mobile Money với ví điện tử là không phải liên kết với ngân hàng. Đối tượng chính của Mobile Money là những người sống ở vùng sâu vùng xa, những người không có smartphone cũng như không có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Theo Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam còn thấp nhưng mật độ thuê bao di động đã đạt trên 100%. Ở Việt Nam, trên 90% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt, vì thế Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều kiện của Việt Nam được xem là hoàn toàn phù hợp với Mobile Money khi có gần 40% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Trong trường hợp Mobile Money thành công ở các giao dịch có giá trị nhỏ và thị trường nông thôn thì miếng bánh thị phần của các hình thức thanh toán sẽ được phân chia rõ rệt giữa ngân hàng, ví điện tử và Mobile Money chứ không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
Trân Nguyễn