Từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 sáng ngày 9/6/2020.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, Việt Nam đã có thành công lớn, đáng được trân trọng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã gần 2 tháng qua cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, phần lớn các ca bệnh đã được điều trị khỏi, các ca bệnh nặng cũng có tiến triển tốt về sức khỏe. Đây là kết quả rất đáng mừng, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thắng lợi này rất cần được tổng kết, biểu dương, khen thưởng, đồng thời rút ra những bài học để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trong tương lai.

Trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới với các quan điểm phát triển chủ yếu sau:

Bảo đảm môi trường an toàn để phát triển và phát triển bền vững trong điều kiện bình thường mới. Trong phát triển phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới, liên hệ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã hội nhập rất sâu rộng.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 77-TB/TW ngày 5/6/2020 là khai thác tối đa thị trường trong nước. Phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế – xã hội. Từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong các hoạt động như giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế số…

Chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất trong tương lai gần để hội nhập, xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, công nhân tay nghề cao nhập cảnh làm việc và khảo sát các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Giao các Bộ: Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải xem xét, giải quyết nhanh các thủ tục về thị thực nhập cảnh, về các chuyến bay và các thủ tục liên quan cho các đối tượng này; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, bố trí địa điểm cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng đối tượng, có thu phí, tổ chức việc đón tiếp, xét nghiệm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ  các thủ tục cấp mới và gia hạn giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và bảo đảm an toàn không lây nhiễm dịch bệnh.

Tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức là người Việt Nam, công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, bị kẹt ở nước ngoài và các trường hợp đặc biệt khác… về nước. Giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo, có tiêu chí cụ thể để cho về nước, mở kênh đăng ký để tiếp nhận nhu cầu về nước. Bộ Ngoại giao làm việc với Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải để xác định các chuyến bay, điểm đón; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay, tăng tần suất các chuyến bay thương mại để đưa công dân Việt Nam về nước phù hợp với tình hình cách ly trong nước.

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này. Về các địa điểm mở lại chuyến bay, giao các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải cân nhắc cụ thể, trước mắt lựa chọn một số địa điểm để mở sớm như Quảng Châu, Đài Loan, Seoul, Tokyo, Lào…trên cơ sở tình hình chung, có phương thức quản lý cụ thể song không nên mở ồ ạt. Các chuyến bay này cũng phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cần sơ kết thường xuyên việc này. Giao  Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo cụ thể, đạt kết quả tốt nhất.

Giao Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Y tế để báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ nguồn kinh phí huy động cho phòng, chống dịch theo nguyên tắc hỗ trợ cho công tác cách ly và cho các địa phương khó khăn; không chia đều; đảm bảo sử dụng hợp lý nhất cho phòng, chống dịch.

Duy Anh