Thâm hụt thương mại 879 triệu USD trong nửa đầu tháng 7

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 9,221 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,342 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 thâm hụt tới 879 triệu USD. Tuy nhiên nếu tính từ đầu năm đến hết 15/7, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn thặng dư 2,5 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 7, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 122,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 120 triệu USD. Như vậy tính đến nửa đầu tháng 7, mức xuất siêu của cả nước mặc dù có giảm song vẫn duy trì ở con số rất cao – 2,5 tỷ USD, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Xét về cơ cấu mặt hàng, tính đến 15/7 kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng tỷ đô chủ lực cũng được Tổng cục Hải quan điểm danh, trong đó có tới 3 nhóm hàng gia nhập Câu lạc bộ xuất khẩu 10 tỷ USD; đứng đầu là nhóm hàng điện thoại – linh kiện với con số 24 tỷ USD, tiếp theo là dệt may 14,9 tỷ USD, máy vi tính – linh kiện gần 14,4 tỷ USD. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xét về thị trường, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Thất, Áo) đạt 101,04 tỷ USD, chiếm 88% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang 10 thị trường chủ lực này đều tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ với gần 21,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của cả nước.

Đối với lĩnh vực nhập khẩu, nửa đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu từ 10 thị trường lớn nhất (EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Argentina) đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Bộ Công Thương đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể tăng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 236,6 tỷ USD với điều kiện bối cảnh chính trị, kinh tế trong cũng như ngoài nước trong cả năm 2018 tiếp tục giữ xu hướng thuận lợi nhiều hơn khó khăn như hiện tại. Các chuyên gia kinh tế nhận định mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay bởi theo quy luật thị trường, kim ngạch xuất khẩu thường tăng cao hơn vào những tháng cuối của năm. Tuy nhiên nếu xét trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, nhất là nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ thì việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng thật sự là một thách thức không hề nhỏ, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, đứng đầu là Bộ Công Thương và trên hết là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết để “tăng lực” cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông,cập nhật thông tin thị trường, nâng cao hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả mọi cơ hội có được; duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán ký kết, sửa đổi, nâng cấp các FTA. Ngoài ra Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chú trọng đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo chiều sâu, tạo nguồn hàng xuất khẩu theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại. Song song đó Bộ tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với các ngành hàng để từ đó có sự điều chỉnh chiến lược phát triển từng ngành hàng sao cho phù hợp, đạt hiệu quả hơn, hướng tới gia tăng năng lực nền sản xuất nội địa.

Theo : Nguyễn Cường