Hà Nội đìu hiu, bất động sản tại các tỉnh thành lân cận lại sôi động

Trong báo cáo về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thời gian gần đây do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức cao nên giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng sang thị trường các tỉnh, thành lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…Tại đây giá đất vừa thấp, khả năng tăng giá sinh lời lại cao.

Theo đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam, mặc dù từ cuối 2016 đất nền tại các tỉnh, thành phía Bắc đã lọt vào “tầm ngắm” của giới đầu tư, đầu cơ song phải đến thời điểm đầu năm 2018 thì thị trường mới thực sự bùng nổ với biểu hiện rõ nhất là cơn sốt đất tại một số địa phương khu vực phía Bắc như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… So với thời điểm năm 2017, gía đất tại các tỉnh, thành này đã có sự tăng vọt; bình quân tăng thêm khoảng 30%.

Đại diện Hội môi giới cho biết sở dĩ có hiện tượng này là do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức cao buộc các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải dịch chuyển sang các thị trường bất động sản tỉnh lẻ bởi tại đây nguồn vốn đầu tư bỏ ra không quá lớn, họ lại có điều kiện để phát triển dự án. Những chuyển dịch này thực sự đã làm thay đổi, làm sôi động thị trương bất động sản tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc

Khảo sát thị trường bất động sản tại một số tỉnh, thành phía Bắc cho thấy lượng giao dịch không ngừng gia tăng, tín hiệu thị trường rất tốt. Cụ thể tại Tp.Thái Nguyên ghi nhận lượng cung lớn các sản phẩm chung cư, đất nền, biệt thự liền kề với gần 3.000 căn chung cư, 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thực liền kề được chào bán. Nhu cầu tiêu thụ cũng tỷ lệ thuận với nguồn cung khi 6 tháng đầu năm có tổng cộng 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 căn biệt thự, nhà liền kề được giao dịch trên thị trường; phần lớn thuộc các dự án: TBCO Riverside, Tecco Thái Nguyên, Khu đô thị Cosy Gia Sàng…

Tại tỉnh Quảng Ninh, do du lịch đang vào mùa cao điểm nên thị trường bất động sản quý II cũng đã sự khởi sắc hơn so với quý I; tập trung vào 3 khu vực chính: Tp.Hạ Long, Tp.Móng Cái, Vân Đồn. Tuy không sôi động bằng song giao dịch đất nền tại các thành phố mới như Cẩm Phả, Uông Bí cũng có sự gia tăng đáng kể. Góp phần làm nên sắc thái mới cho thị trường bất động sản Quảng Ninh phải kể đến các “ông lớn” như Vingroup, Sungroup, FLC…Tại Tp.Hạ Long, sau quý I trầm lắng thì thị trường bất động sản quý II đã có sự bứt phá với hơn 1.000 giao dịch thành công; trong đó có  khoảng 300 căn chung cư, 200 căn đất nền, còn lại là các sản phẩm Shophouse, biệt thự, liền kề…

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, các khu hành chính mới hầu như đều có các dự án nhà ở đi kèm. Hiện có tới 18 dự án nằm ở các khu vực Tp.Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong… Sức tiêu thụ tại các dự án này khá cao với khoảng trên 60% giao dịch thành công cho mỗi đợt mở bán.

Cũng theo Hội môi giới, ngoài 3 địa phương trên thì tại các tỉnh khác ở khu vực phía Bắc như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An…cũng “nở rộ” các dự án phát triển nhà với lượng giao dịch khá lớn.  Sự nhộn nhịp, sôi động tại thị trường bất động sản tỉnh lẻ chính là nguyên nhân khiến giá bất động sản ở Hà Nội không tăng mạnh; thậm chí tại một vài phân khúc, nhà đầu tư phải giảm giá bán bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo : Nguyễn Cường