Dịch Covid – 19: Trở lực hay động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam?
Dịch bệnh Covid – 19 bùng phát gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia quốc tế vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng kinh tế Việt Nam sẽ kiên cường và “bật trở lại” hậu Covid-19.
Sức hút khó cưỡng
Trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Việt Nam đã nổi lên như một nhân tố hưởng lợi; thậm chí các chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Theo nhận định của ông Filippo Bortoletti – Cố vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira & Associates, Việt Nam sở hữu những lợi thế đặc thù, không chỉ bởi vị trí địa lý đắc địa, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà còn bởi sự cởi mở, cầu thị của Chính phủ đối với các nhà đầu tư FDI.
Đồng quan điểm, ông Samuel Pursch – Phó Giám đốc Vriens & Partners nhận xét với dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào và cơ sở hạ tầng tương đối tốt, Việt Nam đã thực sự nổi lên như một vành đai công nghiệp và công nghiệp phụ trợ hấp dẫn với doanh nghiệp FDI chuyển đến Việt Nam. Những năm gần đây tăng trưởng GDP của Việt Nam đã xấp xỉ con số 8%, một phần nhờ quá trình chuyển dịch sản xuất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Chính sự tương đồng với Trung Quốc là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp nhận làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang của các doanh nghiệp FDI; hơn nữa làm ăn ở Việt Nam bao giờ cũng dễ dàng hơn đối với một công ty nước ngoài. Chính vì vậy thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc, các nhà đầu tư đang chọn chiến lược Trung Quốc+1, tức bổ sung thêm các cơ sở sản xuất với đầu vào giá rẻ ở Việt Nam
Còn theo bà Sian Fenner – Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á – Oxford Economics, lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nằm ở nền sản xuất và thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân. Rời hàng ngũ các nước thu nhập thấp, Việt Nam nay đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và là một trong những thị trường màu mỡ tại khu vực Đông Nam Á. Về sản xuất, trong 5 năm trở lại đây dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chiếm khoảng 11%/năm và đây thực sự là một con số rất ấn tượng. “Nhìn vào con số này, tôi cho rằng Việt Nam thực sự là khu vực thu hút FDI hàng đầu” – bà Sian Fenner đánh giá.
“Để phát triển đến cấp độ tiếp theo, Việt Nam cần ý thức được một thực tế là đất nước cần phải mở cửa hơn nữa, hội nhập sâu rộng hơn nữa. Đổ vốn vào Việt Nam rất dễ nhưng rút ra lại là chuyện không dễ chút nào. Cần phải chắc chắn rằng nhà đầu tư sẽ có kế hoạch thoát hiểm để thực sự có được các khoản đầu tư tốt hơn. Tôi có thể khẳng định Việt Nam đã học được nhiều bài học bổ ích từ câu chuyện của Trung Quốc” – ông Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư tại Singapore của UBS nhấn mạnh.
Dịch bệnh chỉ là chướng ngại tạm thời
Tuy nhiên thế giới đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19 với mức độ lây lan và các tác động bất lợi ngày càng tăng. Khác với SARS, mức độ tàn phá của Covid-19 trầm trọng hơn rất nhiều khiến hàng trăm quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Câu hỏi đặt ra ở đây là một quốc gia có quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc, liệu Covid-19 có kìm hãm sự phát triển của Việt Nam hay Việt Nam đang ở một vị trí tốt hơn để có thể “bật trở lại”?
Theo nhận xét của ông Kelvin Tay, chắc chắn đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam vì dịch bệnh này tác động rất lớn đến nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc lại là quốc gia xuất khẩu lượng lớn hàng hóa (chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất) sang Việt Nam. Ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam còn thể hiện đặc biệt rõ nét thông qua hoạt động du lịch với khoảng 30% doanh thu du lịch của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Chỉ trong vài tuần, doanh thu du lịch của Việt Nam đã sụt giảm gần như bằng không và tác động lan sang cả các ngành kinh tế khác theo cấp số nhân.
Bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành sản xuất linh kiện ở Trung Quốc vẫn đang bị đình trệ ở nhiều cấp độ. Các nhà máy Việt Nam dự kiến sẽ cạn kiệt nguồn nguyên liệu, linh kiện trong những tuần tới và có thể là các tháng tới, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bất chấp những khó khăn bủa vây doanh nghiệp mình, ông Walter Blocker – Chủ tịch kiêm CEO Liên minh Thương mại Việt Nam vẫn bày tỏ hy vọng rằng Covid-19 có thể chỉ gây ra những chướng ngại tạm thời đối với Việt Nam. Ông tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ kiên cường “bật trở lại” hậu Covid-19 và tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ cuộc chiến thương chiến thương mại Mỹ – Trung.
Xuân An