Ngân hàng Thế giới cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Nam Á sẽ sụt giảm
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng Nam Á đang phải đối mặt với hậu quả kinh tế tồi tệ nhất trong 40 năm vì đại dịch COVID-19.
Các tác động sẽ làm hủy hoại các tiến triển trong cuộc chiến chống đói nghèo của khu vực trong nhiều thập kỷ qua.
Các nền kinh tế như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan hiện không ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus Corona nhưng các chuyên gia lo ngại đây có thể là điểm nóng virus tiếp theo.
Khu vực Nam Á là nơi sinh sống của 1,8 tỷ người và bao gồm một số thành phố đông dân nhất thế giới.
“Nam Á đang cảm thấy bị mắc kẹt trong một cơn bão của những ảnh hưởng tai hại này. Du lịch bị “cạn kiệt”, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu về hàng may mặc đã sụp đổ và tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư đã bị tổn hại”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết.
Báo cáo đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực trong năm nay xuống còn 1,8% đến 2,8% so với dự báo ban đầu là 6,3% trước khi virus bùng phát. Ít nhất một nửa các quốc gia trong khu vực này có thể rơi vào suy thoái trầm trọng.
“Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Maldives, một quốc gia của những hòn đảo nhỏ ở Biển Ả Rập, nơi sự sụp đổ của du lịch cao cấp có thể chứng kiến sản lượng kinh tế của nước này giảm tới 13%”, cảnh báo Ngân hàng Thế giới.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất ở Nam Á, có thể chứng kiến mức tăng trưởng chỉ 1,5% trong năm tài chính của mình, giảm từ khoảng 5%, theo Ngân hàng Thế giới dự đoán.
Ngân hàng thế giới đã khuyến cáo các chính phủ tăng cường hành động để hạn chế tình trạng khẩn cấp về y tế, bảo vệ người dân của họ, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, và tạo tiền đề để phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị các chương trình làm việc tạm thời cho dân lao động nhập cư, xóa nợ cho các doanh nghiệp và các cá nhân trong khi cắt giảm các nhập khẩu và xuất khẩu thiết yếu.
Tuần trước, định chế cho vay có trụ sở tại Washington DC này cho biết họ sẽ triển khai hỗ trợ tài chính tới 160 tỷ đô la (128 tỷ bảng) trong 15 tháng tới để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của họ.
Hạnh Phúc