Mổ xẻ hai cú sốc khiến thương mại toàn cầu lao dốc không phanh

Dịch Covid-19 như một “bóng đen” bao trùm lên hoạt động thương mại toàn cầu và  rõ ràng so với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung,  đại dịch thế kỷ đang khiến cho nền kinh tế toàn cầu trở nên suy giảm trầm trọng hơn.

Từ sức tàn phá của chiến tranh thương mại…

Những người làm công việc hoa tiêu cho các tàu container, các cán bộ hải quan, những bậc thầy về logistic, lái xe tải và người bảo vệ kho đều đã quá quen thuộc với công việc xử lý các rắc rối thường xuyên phát sinh trên mạng lưới thương mại quốc tế, từ những cuộc đình công cho đến gần đây nhất là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhưng trong bối cảnh gần như chắc chắn GDP toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm, kể cả những người có lối suy nghĩ sáng tạo nhất cũng sẽ không thể đảm đương nhiệm vụ bảo vệ dòng chảy hàng hóa dịch vụ trị giá 25.000 tỷ USD đang chảy khắp thế giới.

Thương mại có thể được ví như đường ống dẫn mà qua đó sự thâm hụt của nền kinh tế này sẽ dễ dàng được dẫn truyền sang nền kinh tế khác. Kể cả những sản phẩm đơn giản nhất cũng là kết qua hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu; đơn cử để sản xuất thành công 1 cốc cà phê phải cần đến sự hợp tác của 29 công ty đến từ 18 quốc gia. Do mối quan hệ “mạng nhện” này, chúng ta có thể đoán được nguyên do của những cú sốc kinh tế có thể đến từ rất nhiều hướng. Một cảng biển đóng cửa hay hàng bị tắc ở hải quan có thể tạo ra những con sóng nối đuôi nhau tác động đến mọi ngóc ngách. Nếu khách hàng ngừng mua xe ô tô và điện thoại, các nhà sản xuất cùng với người lao động ở những nơi xa lắc lơ cũng phải chịu thiệt hại nặng nề.

Khép lại năm 2019, GDP toàn cầu (tính theo ngang giá sức mua) giảm 0,1%, kéo theo sự sụt giảm tới 13% của tổng khối lượng thương mại. Tuy nhiên nếu tách thành 4 quý thì con số chắc chắn sẽ còn lớn hơn. Sức tiêu thụ khổng lồ ở Mỹ và khu vực EU đã tác động đến 1 chuỗi các quốc gia từ Canada, Mexico cho đến Trung Quốc, Nhật Bản, kể cả những nền kinh tế mới nổi của châu Á.

…Đến dịch bệnh và những những hậu quả khôn lường cho chuỗi thương mại toàn cầu

Từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát mạnh mẽ. Bắt đầu từ Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới “ngấm đòn” Covid – 19, giờ dịch bệnh đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ các nhà máy bị đóng cửa vì dịch bệnh, các rào cản thương mại cũng được dựng lên hàng loạt tại các quốc gia nhằm kiểm soát dịch bệnh. Theo thời gian, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới ngày càng lao dốc do thu nhập của người dân sụt giảm nghiêm trọng, nguồn lực tài chính của các công ty cũng dần cạn kiệt không thể đầu tư dự án mới.

Ban đầu chỉ các nhà máy của Trung Quốc (nơi chiếm gần 10% khối lượng giao dịch hàng hóa trung gian) bị ảnh hưởng. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (tính bằng USD) của Trung Quốc giảm 17% so với 1 năm trước. Mặc dù thuế quan của Mỹ cũng có tác động nhưng phần lớn là do các nhà máy đóng cửa. Một khi thời gian giao hàng ngày càng kéo dài, các công ty cũng phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu linh kiện.

Giờ đây các nhà máy trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á không chỉ thiếu nguồn cung nguồn cung nguyên liệu mà còn phải đối mặt với tình trạng công nhân bị bệnh và các lệnh phong tỏa ở ngay đất nước họ. Audrey Ross – CEO của Orchard International (Canada) cho biết họ đang trải qua một cơn ác mộng thực sự khi một nhà máy ở Đức đóng cửa, các nhà máy ở Mỹ phải thu hẹp thời gian mở cửa. Chỉ cách đây vài tuần, kế hoạch đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc vào Trung Quốc tưởng chừng như sáng suốt nhưng giờ thì không nơi nào còn an toàn cả

Tồi tệ hơn, các rào cản thương mại đang mọc lên ở khắp nơi. Trong bối cảnh thiết bị – vật tư y tế khan hiếm, hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ra lệnh giới hạn lượng thiết bị y tế xuất đi. Ngành du lịch (vốn chiếm 8% khối lượng thương mại dịch vụ toàn cầu) chính là ngành thiệt hại nặng nhất. Hàng loạt chuyến bay bị hủy khiến cước phí vận chuyển tăng cao. Ngoài ra cước vận tải của một số mặt hàng cũng đã tăng từ 2-3 USD/kg lên 9-11 USD.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cũng gian nan không kém. Các nước từ Mỹ cho đến Cộng hòa Armenia đều đã ban hành các lệnh cấm vận chặt chẽ. Nhiều người lao động cũng không thể quay trở lại nơi làm việc vì lệnh phong tỏa. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhân công…khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nguồn cung khan hiếm trong khi người dân lại đổ xô đến các siêu thị để tích trữ thực phẩm. Riêng đối với các thiết bị y tế thì càng khan hiếm gấp bội vì nhu cầu tăng vọt.

Câu hỏi được đạt ra ở đây là thương mại toàn cầu sẽ suy giảm đến đâu? Năm 2009, lực cầu sụt giảm chiếm hơn 60% nguyên nhân khiến thương mại sụp đổ, con số cao hơn nhiều so với mức 15-20% gây ra bởi khan hiếm tín dụng.

Cuộc khủng hoảng năm 2009 phần nào cho thấy sớm hay muộn thì hoạt động thương mại cũng sẽ phục hồi. Tuy nhiên hoạt động thương mại sôi động là nhờ niềm tin và tính dễ đoán, chứ không phải sự mông lung. Ở thời điểm hiện tại, với chuỗi cung ứng đứt gãy và nhiều nước đóng cửa biên giới, cả hai yếu tố này đều đang thiếu hụt trầm trọng dẫn đến khó có thể dự báo được thời điểm hoạt động thương mại toàn cầu phục hồi

Ngọc Anh