Giữa tâm dịch Corona, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế

Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi thường trực Chính phủ báo cáo tóm tắt đánh giá tác động của dịch bệnh virut Corona đến công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam tính đến ngày 12/2.

Kịch bản báo cáo Thường trực Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào chiều ngày 12/2 đã kém lạc quan hơn so với kịch bản ngày 5/2. Điều này phần nào cho thấy những tác động của dịch virut Corona tới kinh tế – xã hội Việt Nam trầm trọng hơn so với dự tính ban đầu.

Cụ thể theo kịch bản mới, nếu dịch virut Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,25% so với năm trước (giảm 0,55 điểm phần trăm so với kịch bản được xây dựng trong Nghị quyết số 01). Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Còn nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 5,96% so với năm trước (thấp hơn 0,84 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01). Trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Trước đó, ngày 5/2, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I, tăng trưởng GDP cả năm sẽ là 6,27%; còn trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II, tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ còn 6,09%.

Trong bối cảnh dịch bệnh virut Corona ngày càng diễn biến phức tạp và gây hậu quả khôn lường, dưới góc độ cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; từng bước duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các DNNVV, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Công việc sẽ được báo cáo Thủ tướng trong tháng 2.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính ngay trong tháng 2 này báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch virut Corona và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu; bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.

Song song đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ: giao Bộ Lao động, Thương binh&Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân công do lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số; giao Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, một số tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh công tác đối thoại với các đối tác, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản do tác động của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch virut Corona.

Ngoài ra hướng đến mục tiêu phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh đến việc phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Thiên Phú