Thủ tướng truyền thông điệp: Xử lý cứng rắn với gian lận xuất xứ
Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhấn mạnh điều này khi dẫn đầu Tổ công tác làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ, chiều 15/11.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
“Việc cấp C/O phải bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng chúng ta cũng không để lợi dụng việc cấp C/O để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chân chính rất quan tâm vấn đề này. Không thể để chúng ta trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Hiện nay, có 2 hình thức gian lận là gian lận xuất xứ ưu đãi (C/O do Bộ Công Thương cấp) để hưởng ưu đãi thuế quan và gian lận xuất xứ không ưu đãi (C/O do VCCI cấp) để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng.
Ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước với hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Cùng ngày, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, VCCI báo cáo Thủ tướng về tình hình cấp C/O, Bộ Tài chính báo cáo về tình hình kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng năm 2019. Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác tìm hiểu về tình hình gian lận xuất xứ và Tổ công tác cũng đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để nắm bắt thông tin đầy đủ, khách quan các nội dung liên quan.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến các bộ, cơ quan.
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, buổi làm việc hôm nay nhằm kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc về thể chế, chính sách, bất cập trong thực thi công vụ để kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các bộ, cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
“Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương và VCCI đã hết sức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cấp C/O, nhưng trong bối cảnh mới, cần xem xét lại nhiều vấn đề như cấp C/O gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn thế nào, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp xin cấp C/O… Việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau.
“VCCI có bảo đảm việc tiến hành kiểm tra thực tế nơi sản xuất về nhà máy, nhân lực, đầu vào nguyên liệu khi cấp C/O không, hay chỉ kiểm tra hồ sơ”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề. Cùng với đó, trong thực tế, ngoài các loại C/O theo quy định, hiện VCCI còn cấp giấy chứng nhận với nội dung xác nhận bằng tiếng Anh, tuy không phải là giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng theo phản ánh, việc cấp giấy chứng nhận này dễ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp sử dụng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa. VCCI cần xem xét kỹ vấn đề này.
Thu Hoài