4 điều khiến Janet Yellen khó hàn gắn quan hệ Mỹ-Trung

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chuẩn bị cho cuộc họp hai ngày với các quan chức và nhà kinh tế ở Bắc Kinh vào thứ Sáu, bà phải đối mặt với một công việc khó khăn: ổn định mối quan hệ rạn nứt đã trở nên tồi tệ trong tuần này khi Trung Quốc trả đũa trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ.

Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã công bố các hạn chế xuất khẩu hai nguyên liệu chiến lược cần thiết để sản xuất chất bán dẫn, vốn rất quan trọng đối với hoạt động bình thường của cuộc sống hàng ngày và là nguyên nhân gây căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, nói với China Daily: “Đây mới chỉ là khởi đầu. Bộ công cụ của Trung Quốc có sẵn nhiều loại biện pháp hơn”.

Các vấn đề cần được giải quyết giữa các siêu cường rất gai góc và phức tạp, ngay cả khi nền kinh tế của họ dường như bất chấp những lời bàn tán về việc tách rời để trở nên gắn bó hơn bao giờ hết.

Chuyến thăm của Yellen diễn ra vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều bất ổn, khi quá trình phục hồi hậu Covid của Trung Quốc mất đà, châu Âu cố gắng thoát khỏi suy thoái và Mỹ vẫn có nguy cơ bị suy thoái.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ được hưởng lợi nếu Washington và Bắc Kinh có thể hàn gắn các rào cản, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này dường như khó xảy ra.

Anna Ashton, giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Trung tại Eurasia Group, cho biết: “Hai nước có những lợi ích chiến lược không đồng nhất và cạnh tranh nhau. Mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, được đánh dấu bằng sự ngờ vực”.

Dưới đây là bốn điều có thể khiến Yellen khó hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Trung hơn:

1. Cuộc chiến chip

Cuộc tranh cãi về tương lai của chất bán dẫn đã leo thang trong những tháng gần đây, thu hút sự chú ý của Nhật Bản và Châu Âu. Bắc Kinh đã chơi một con át chủ bài vào đầu tuần này khi áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai nguyên liệu thô, gali và germanium, vốn rất quan trọng đối với ngành sản xuất chip toàn cầu.

Đây được coi là biện pháp đối phó thứ hai của Trung Quốc đối với lệnh cấm bán chip tiên tiến của Mỹ cho Trung Quốc, được chính quyền Biden công bố vào năm ngoái. Việc xử phạt một trong những nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất của Mỹ, Micron Technology (MU), vào tháng 5 là hành động lần đầu tiên của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích tin rằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nhóm gồm 17 nguyên tố mà Trung Quốc kiểm soát hơn một nửa nguồn cung toàn cầu, có thể là cách tiếp theo để Trung Quốc đáp trả.

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ những hạn chế như vậy đối với xuất khẩu công nghệ và sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo chúng không cản trở sự phát triển của chính họ.

2. Tấn công doanh nghiệp Mỹ

Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty tư vấn và thẩm định của phương Tây cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ lo lắng.

Vào tháng 4, Bắc Kinh đã cập nhật luật chống gián điệp, trong đó mở rộng danh sách các hoạt động có thể bị coi là gián điệp.

Trong vài tháng qua, các quan chức đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công vào các công ty tư vấn, bao gồm Capvision, Bain & Company và Tập đoàn Mintz.

Chính quyền đã cáo buộc Capvision, công ty có trụ sở tại Thượng Hải và New York, giúp rò rỉ thông tin quân sự nhạy cảm cho các lực lượng nước ngoài.

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia đang tạo ra những rủi ro chính trị khiến các công ty nước ngoài khó kinh doanh hơn ở Trung Quốc.

3. Hạn chế đầu tư vào Trung Quốc

Kể từ đầu năm nay, chính quyền Biden đã cân nhắc các quy định mới có thể hạn chế đầu tư vào các bộ phận quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc bởi các doanh nghiệp Mỹ, theo nhiều báo cáo phương tiện truyền thông.

Vào tháng 4, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền “sử dụng tất cả các công cụ có sẵn” để xử phạt các công ty điện toán đám mây có liên kết với Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ từ lâu đã xem xét kỹ lưỡng đầu tư nước ngoài vào nước này. Nhưng các quy tắc điều chỉnh đầu tư của Mỹ ra nước ngoài sẽ là một bước tiến mới, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ chủ chốt có thể hỗ trợ quân đội của họ.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đặt nhiều công ty vào tình thế khó khăn.

4. Giảm thiểu rủi ro

Những người theo quan điểm diều hâu đã kêu gọi Mỹ tách khỏi Trung Quốc, một đề xuất không thực tế với mức độ quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu của ông đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn “giảm rủi ro” cho mối quan hệ của họ với nền kinh tế Trung Quốc, nhất là vì những bài học kinh nghiệm kể từ khi Moscow ra lệnh xâm lược Ukraine toàn diện vào năm ngoái về việc dựa vào Nga về năng lượng và các hàng hóa khác.

Cuộc chiến ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về Đài Loan, nơi mà Trung Quốc đã đe dọa xâm chiếm.

Những lo ngại đã dẫn đến những nỗ lực phối hợp nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ có thể được sử dụng để nâng cao sức mạnh quân sự của nước này.

Ngọc Mai