30 năm thu hút vốn FDI: Vui nhiều, nỗi buồn không ít…
Sau 30 năm mở toang cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới với 26.500 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD (tính đến ngày 20/8/2018).
Có những “nỗi buồn” mang tên FDI
30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã song hành cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên Tiến sĩ Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng đồng thời cho biết việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, nếu không sớm có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục sớm thì mặt trái của “đồng tiền FDI” sẽ lấn lướt mặt tích cực.
Về những “nỗi buồn” mang tên FDI, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng cho biết đó chính là bài học từ phương thức quản lý yếu kém và hậu quả nhãn tiền là hàng loạt sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vụ Vedan, Formosa…. Đó chính là hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI để trốn thuế; công nghiệp phụ trợ không phát triển; giá trị đem lại từ khối ngoại thấp; hiệu quả liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp. “Những bài học, những nỗi buồn từ FDI chỉ là tồn tại thứ yếu. Tuy nhiên nếu cứ để dây dưa, tồn đọng mà không sớm có các giải pháp khắc phục kịp thời thì mặt trái của “đồng tiền FDI” sẽ dần lấn át những cống hiến của dòng vốn quan trọng này. Và khi đó những hệ luỵ kéo theo sẽ còn khủng khiếp hơn rất nhiều” – ông Thắng nhấn mạnh.
Hướng đi chiến lược cho thu hút FDI thế hệ mới
30 năm thu hút vốn FDI của Việt Nam được đánh giá là khá thành công song đến giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn này cần những định hướng mới mang tính chiến lược. Yêu cầu của chiến lược thu hút FDI thế hệ mới hay còn gọi là FDI thế hệ thứ 2 nằm ở chính cách tổ chức thực hiện sao cho không bị tính kinh tế thị trường thao túng. Làm sao để giai đoạn tới các lĩnh vực ngành nghề thu hút vốn ngoại tập trung, có hiệu quả hơn chứ không phải “hô khẩu hiệu” còn hiệu quả thực tế lại không như kỳ vọng.
Ông Thắng cho biết ngày nay trong giao tiếp hằng ngày hay trong các bài diễn thuyết, các hội thảo, hội nghị, mọi người đều nói tới cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, robot… như một xu thế tất yếu. Cũng bởi thời gian qua ảnh hưởng của công nghệ cao quá mạnh mẽ nên đến thời điểm hiện tại không thể áp dụng cách làm không rõ mục tiêu. “Ngay từ đầu chúng ta cần xác định trong lĩnh vực 4.0 vì sao chưa đạt như ý muốn? Công nghệ 4.0 là gì trong từng lĩnh vực ngành nghề? Muốn thu hút vốn FDI phải làm như thế nào, quản trị với tổ chức bộ máy điều hành ra sao?… Kế hoạch càng chi tiết càng tốt và phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, lúc đó mới có cơ hội tiếp cận vào công nghệ cao và thu hút vốn” – ông Thắng lấy ví dụ.
Cùng với chiến lược được vạch ra ngay từ đầu, thu hút vốn FDI cũng cần hướng tới lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao; thống nhất quy hoạch phát triển, trong đó lĩnh vực nào, vùng nào sẽ dành ưu tiên thu hút vốn FDI… Các dự án cấp phép phải phụ thuộc những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến, còn những cái mà doanh nghiệp Việt có khả năng làm được thì phải để người Việt làm, lĩnh vực nào không làm được thì mới thu hút vốn FDI.
Nói “không thu hút vốn FDI bằng mọi giá” nhưng chúng ta phải có chỉ dẫn cụ thể sàng lọc cho các địa phương, từ đó mới có thể giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi từ nguồn vốn ngoại. Ngoài ra tổ chức bộ máy và con người cũng là vấn đề then chốt cho thu hút vốn FDI trong thời gian tới. Đối tác nào cũng phải sàng lọc. Nhà đầu tư đăng ký dự án quy mô vốn rất lớn song nếu rà soát nhận thấy chỉ một phần nhỏ dự án sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam, còn phần lớn giá trị còn lại không phù hợp thì cũng mạnh dạn từ chối. Theo khuyến nghị của ông Thắng, giai đoạn FDI thế hệ thứ 2 cần rõ ràng tất cả những vấn đề trên để không lặp lại sai lầm như vụ xả thải của Formosa gây chấn động dư luận một thời.
Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 – 2017.
Đến nay đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư, phát triển với tỉ trọng khoảng 3,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Phần lớn các dự án FDI tập trung vào chế biến chế tạo và đã tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. |
Nguyễn Cường