10 tháng, hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2021 cả nước có 97.089 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng đã phản ánh rõ nét những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Quán bia trên đường Bùi Viện, quận 1 đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong 10 tháng qua, trong tổng số 97.089 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có 48.487 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; các doanh nghiệp còn lại đang chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể.

Riêng tại Tp.HCM, trong 10 tháng năm 2021 Thành phố có 25.895 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 26,7% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn với khoảng 14.000 doanh nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4 đã vắt kiệt sức lực của rất nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sữa chữa ôtô, xe máy, xây dựng, công nghệ chế biến. Thống kê cho thấy có đến 91% các trường hợp đóng cửa có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm chưa đầy 0,5%.

Không chỉ doanh nghiệp trẻ, số doanh nghiệp “gạo cội” với thâm niên hoạt động hơn một thập kỷ tạm ngừng kinh doanh cũng biến động mạnh, tăng 15% so với cùng kỳ, lên đến 10.600 doanh nghiệp. Trong các báo cáo phân tích trước đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định phần đông doanh nghiệp quyết định rút lui khỏi thị trường là để nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường, chờ đợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trước khi quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể.

Bên cạnh tác động của dịch bệnh Covid – 19, còn nhiều nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp quyết định rút lui khỏi thị trường như: chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra lại đứt gãy; doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, chiến lược kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình mới… Dù là nguyên nhân nào thì đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tìm ra hướng đi chiến lược để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong điều kiện “bình thường mới”

Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng năm 2021 có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái; số vốn đăng ký thành lập chỉ đạt 1.304.370 tỷ đồng, giảm 18,2%. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng qua là 3.183.638 tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.304.370 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái.  Bình quân mỗi doanh nghiệp thành lập trong giai đoạn này có vốn điều lệ xấp xỉ 14 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái

Phân theo lĩnh vực hoạt động, 3/17 nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp mới cao hơn cùng kỳ gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 191,3%); kinh doanh bất động sản (tăng 7,8%); vận tải kho bãi (tăng 6,3%). Còn lại có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh như: sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 79,0%); thông tin và truyền thông (giảm 67,3%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 27,9%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 26,7%)…

Phân theo địa bàn hoạt động, trong 10 tháng đầu năm 2021 cả nước có 5/6 khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm ngoái gồm: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra trong 10 tháng qua cũng có hơn 35.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất gồm: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Thành Long