Ý định mua lại công ty chip Arm của Nvidia là ‘một thảm họa’
Người đồng sáng lập Arm, Hermann Hauser, nói rằng sẽ là một thảm họa nếu đối thủ Nvidia của Mỹ mua lại công ty của Anh mà ông đã giúp xây dựng.
Nvidia thông báo hôm Chủ nhật rằng họ có ý định mua lại công ty chip có trụ sở tại Cambridge từ SoftBank của Nhật Bản với giá 40 tỷ đô la, nói rằng họ sẽ tạo ra “công ty máy tính hàng đầu thế giới”.
Tuy nhiên, phát biểu với BBC Radio 4 vào thứ Hai, ông Hauser nói: “Tôi nghĩ đó là một thảm họa tuyệt đối cho Cambridge, Vương quốc Anh và Châu Âu.”
Arm được coi là viên ngọc quý trên vương miện của ngành công nghiệp công nghệ Anh. Các chip của nó cung cấp năng lượng cho hầu hết các điện thoại thông minh trên thế giới cũng như nhiều thiết bị khác.
Bất chấp một số phản đối, công ty đã được SoftBank mua lại vào năm 2016 với giá 19 tỷ bảng Anh (24 tỷ USD) với điều kiện nó vẫn ở thành phố Cambridge của Anh.
Hauser cho biết hàng nghìn nhân viên của Arm sẽ mất việc làm ở Cambridge, Manchester, Belfast và Warwick nếu Nvidia “chắc chắn” quyết định chuyển trụ sở của Arm đến Mỹ và biến công ty thành một bộ phận của Nvidia.
Ông Hauser nói Nvidia sẽ “phá hủy” mô hình kinh doanh của Arm, liên quan đến việc cấp phép thiết kế chip cho khoảng 500 công ty khác, trong đó có một số công ty cạnh tranh trực tiếp với Nvidia. Ông Hauser cho biết thêm rằng thỏa thuận mới sẽ tạo ra thế độc quyền.
Nvidia không đưa ra bình luận ngay lập tức khi được CNBC liên hệ hôm thứ Hai. Tuy nhiên, cuối tuần này, họ cho biết Arm có thể vẫn đặt trụ sở chính tại Cambridge theo thỏa thuận. Họ nói thêm rằng họ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong nước và sẽ xây dựng một siêu máy tính AI mới hỗ trợ Nvidia.
Ông Hauser cho rằng các cam kết là vô nghĩa trừ khi chúng có hiệu lực pháp luật.
Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son cho biết trong một tuyên bố rằng “Nvidia là đối tác hoàn hảo cho Arm.”
Trong khi đó, Simon Segars, giám đốc điều hành của Arm, cho biết trong một tuyên bố: “Arm và Nvidia chia sẻ tầm nhìn và niềm đam mê rằng các máy tính phổ biến, tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới từ biến đổi khí hậu đến chăm sóc sức khỏe, từ nông nghiệp đến giáo dục. Bằng cách tập hợp các điểm mạnh kỹ thuật của hai công ty, chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ và tạo ra các giải pháp mới cho phép tạo ra một hệ sinh thái toàn cầu của các nhà đổi mới.”
Tuy nhiên, theo Hauser, vấn đề quan trọng và đáng quan tâm nhất là chủ quyền kinh tế.
Ông kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh can thiệp, ngăn chặn thỏa thuận và giúp đưa Arm ra công chúng trên Sở giao dịch chứng khoán London, đó là những gì SoftBank ban đầu dự định làm.
Mối quan tâm chính
Đảng đối lập ở Vương quốc Anh đã nêu lên những lo ngại về thỏa thuận vào thứ Sáu tuần trước, với việc Bộ trưởng Kinh doanh Ed Miliband thuộc nội các bóng tối nói: “Chính phủ không làm gì trước nguy cơ công ty bị Nvidia nuốt chửng”.
Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên của chính phủ nói rằng Downing Street giám sát chặt chẽ các đề xuất mua lại. Họ cho biết” “Khi chúng tôi cảm thấy việc tiếp quản có thể là mối đe dọa đối với Vương quốc Anh, chính phủ sẽ không ngần ngại điều tra thêm vấn đề, điều có thể dẫn đến các điều kiện trong thỏa thuận”.
Neil Lawrence, cựu giám đốc bộ phận học máy của Amazon tại Cambridge, nói với CNBC: “Arm là công ty công nghệ lớn duy nhất của Vương quốc Anh là công ty hàng đầu thế giới không thể tranh cãi. Phần lớn chip máy tính trên thế giới được làm theo thiết kế của họ. Công việc kinh doanh ban đầu của Nvidia là đồ họa, nhưng các chip của họ cũng tình cờ có kiến trúc phù hợp với thế hệ thuật toán AI hiện tại. Họ đã tận dụng tốt điều đó. Nhưng với việc rất nhiều sự tập trung đang đổ dồn về việc làm thế nào Vương quốc Anh có thể trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, sẽ thật ngạc nhiên nếu thỏa thuận được thông qua mà không có bất kỳ hình thức xem xét nào”.
Ân Thuyên