Xuất khẩu tôm sẽ “cán đích” 4,2 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm đối diện với không ít thách thức khiến kim ngạch sụt giảm mạnh ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên, thời gian tới ngành tôm Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi xuất khẩu nhờ tác động tích cực của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được kí kết.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm kể từ năm 2018.
Tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. EU – thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam – đạt 300,5 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ – thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam cũng giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 4,9% (đạt 233,5 triệu USD). Hiện tôm Việt đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các thị trường, trong đó có Ấn Độ và Ecuador.
Mặc dù 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn song Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định với việc khai thác các lợi thế từ các FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA; trong thời gian tới xuất khẩu tôm kỳ vọng sẽ có sự phục hồi tích cực.
VASEP cũng đưa ra dự báo 6 tháng còn lại của năm, xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam mã HS 030617 phải cạnh tranh về giá với tôm nhập khẩu (nhập khẩu) từ Ecuador, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm Việt Nam có lợi thế hơn so với Ecuado và Trung Quốc nhờ FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc. Hiện nay, thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan đều ở mức 0%; trong khi thuế nhập khẩu từ Ecuador ở mức 20%, thuế nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 14,6%.
Dự báo kết thúc năm 2019, xuất khẩu tôm sẽ “cán đích” mục tiêu 4,2 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra. Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng cuối năm cũng như khai thác tốt hơn cơ hội tại các thị trường, các chuyên gia trong ngành khuyến nghị bên cạnh việc tận dụng triệt để các lợi thế từ các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần lấy chữ Tín làm đầu; các hợp đồng đã ký kết phải thực hiện cho đúng từ số lượng, cơ cấu, kích cỡ, độ ẩm, thời gian giao hàng, chất lượng bên trong cho đến mẫu mã bên ngoài… “Thời điểm này đã qua mùa tôm chính của Ấn Độ, nhu cầu thị trường, trong đó đáng chú ý là thị trường Trung Quốc rất cao. Ngoài ra Việt Nam đang ký kết nhiều FTA và chuẩn bị đi vào thực thi, hàng rào thuế quan giảm mạnh. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu tôm có thể phục hồi những tháng cuối năm. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm” – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Như Văn Cẩn nhận định.
Thái Hòa