Xuất khẩu thủy sản nỗ lực “cán đích” 10 tỷ USD
“Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2018, ngành Thủy sản cần chủ động các giải pháp về thị trường” là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Thủy sản Việt Nam. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai chủ trì.
Thủy sản triển khai nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu XK 10 tỷ USD năm 2018
“Điểm sáng” 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2018 tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 3,561 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: sản lượng khai thác đạt 1,767 triệu tấn, tăng 5,0%; sản lượng nuôi trồng đạt 1,793 triệu tấn, tăng 6,4%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,026 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 40,3% chỉ tiêu xuất khẩu cả năm. Kết quả sản xuất tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng khá, đồng bộ, tăng cả về sản lượng lẫn xuất khẩu, tạo cơ sở để hoàn thành kế hoạch cả năm.
Đối với lĩnh vực khai thác thuỷ sản, để bảo đảm an toàn đối với người và tàu cá, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư, tàu tuần tra tại các tỉnh với tổng số tàu kiểm tra an toàn kỹ thuật hàng năm là 520 tàu; tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng tàu và hướng dẫn các địa phương thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. Tính đến ngày 31/5/2018, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 108.504 tàu cá (giảm 1.158 tàu so với năm 2017). Số lượng tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động thủy sản đạt tỷ lệ cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại các địa phương đã dần đi vào ổn định. Số lượng các lỗi cảnh báo của cơ quan thẩm quyền châu Âu đã giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Về đóng mới, nâng cấp tàu thuyền khai thác theo Nghị định 67, tính đến ngày 31/5/2018 cả nước có 835 tàu cá được đóng mới đi vào hoạt động, trong đó tàu cá vỏ thép 322 chiếc, tàu vật liệu mới 95 chiếc, tàu vỏ gỗ 418 chiếc. Nhìn chung, tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 sau khi hạ thủy đi vào hoạt động đã đạt hiệu quả rõ rệt, tăng thời gian bám biển, năng suất khai thác tăng từ 20- 30%.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm dịch không để xảy ra dịch bệnh; vật tư đầu vào, chất lượng con giống cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả ngành Thủy sản nỗ lực đạt được của nửa đầu năm 2018, khẳng định thành quả khởi sắc này là sự kế thừa, phát huy thành tựu của toàn ngành Thủy sản những năm trước đây. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2018 mà Bộ NN&PTNT giao cho ngành Thủy sản thì nhiệm vụ những tháng còn lại của năm vẫn rất nặng nề, nhất là khi toàn ngành phải đối mặt với thiên tai khi mùa mưa bão sắp tới.
Mở hướng đi triển vọng
Tại Hội thảo, Tổng cục Thủy sản đề ra chỉ tiêu 6 tháng cuối năm 2018 phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt gần 3,957 triệu tấn (trong đó có hơn 1,739 triệu tấn thủy sản khai thác và hơn 2,217 triệu tấn thủy sản nuôi trồng); kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,974 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả năm lên con số 10 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các chuyên gia khuyến nghị ngành Thủy sản cần chủ động các giải pháp về thị trường, tập trung khai thác thị trường truyền thống song song với phát triển thêm các thị trường mới giàu tiềm năng, tháo gỡ các rào cản thương mại để ổn định xuất khẩu thủy sản…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng đối với 2 đối tượng nuôi chính là tôm và cá tra, ngành thuỷ sản cần chủ động triển khai các giải pháp để gia tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm; không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó mở đường cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam ra thị trường thế giới.
Cụ thể đối với cá tra, ngành cần chú trọng tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khơi thông thị trường xuất khẩu; đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt việc xoá thẻ vàng của Liên minh châu Âu trong thời gian tới. Riêng với con tôm, ngành cần tập trung nghiên cứu, phát triển những phương thức nuôi tôm thâm canh công nghiệp theo hướng công nghệ cao, đảm bảo vấn đề kiểm soát về môi trường. Đồng thời nhân rộng các mô hình nuôi tôm quảng canh – quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái cho sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo : Nguyễn Cường