Xuất khẩu nông – thủy sản: Kỳ vọng bật tăng trở lại hậu Covid-19

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông – thủy sản đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trước bức tranh ảm đạm của hoạt động xuất khẩu, các chuyên gia vẫn bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng xuất khẩu nông – thủy sản sẽ bật tăng trở lại nếu biết tận dụng hiệu quả các cơ hội sau dịch Covid-19, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được thực thi trong năm nay.

Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng mạnh sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Có thể thấy ưu thế của Việt Nam là sở hữu nguồn nông – thủy sản dồi dào, chất lượng tốt, nổi bật như: gạo ST24 ngon nhất thế giới; các loại trái cây đặc sản của từng vùng miền được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên), xoài Cát Chu (Đồng Tháp), vú sữa (Tiền Giang)….Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã ra quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang nước này với mức đánh giá cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%).

Riêng trong việc thực thi FTA với Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam đã xây dựng được cơ chế trao đổi để giảm thiểu tối đa các hàng rào kỹ thuật – trở ngại chính đối với hàng nông – thủy sản của Việt Nam sang xứ sở kim chi. Đặc biệt một loạt mặt hàng được cho là nhạy cảm của Việt Nam như tỏi, gừng, mật ong, tôm… cũng đã được giảm thuế khi vào thị trường Hàn Quốc.

Với Hiệp định EVFTA, dự báo xuất khẩu nông – thủy sản Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh khi Hiệp định chính thức được thực thi trong năm nay; thêm vào đó nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới của EU vẫn còn rất lớn.

Các chuyên gia khuyến nghị để tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội trên, yêu cầu tất yếu là phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng theo Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời thực hiện quy trình chế biến nông sản theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực: Quốc gia – cấp tỉnh – và Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); kết nối sản xuất – chế biến – bảo quản – thị trường – xây dựng thương hiệu; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch; thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn, các yêu cầu khác có liên quan đến chất lượng sản phẩm theo thỏa thuận với nhà nhập khẩu; đổi mới xúc tiến thương mại, xây dựng các cầu nối để hàng nông- thủy sản thâm nhập kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Trên phương diện quản lý Nhà nước, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nông, thủy sản Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất; tiếp đến là Hoa Kỳ và EU…Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong đó kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để khắc phục những khó khăn do tác động từ dịch bệnh, thời gian tới Bộ này sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông – thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch; tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Ả rập xê út…

Minh Anh