Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt 41 tỷ USD năm 2020

Với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 30 tỉ USD, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo cả năm sẽ mang về 41 tỉ USD – hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ NNPTNT ngay từ đầu năm. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 đang tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Thu 30,05 tỉ USD trong 9 tháng, xuất khẩu sắp cán đích 41 tỉ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính chung 9 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 30,05 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 13,6 tỉ USD; chăn nuôi ước đạt 231 triệu USD; thủy sản ước đạt trên 6,0 tỉ USD; lâm sản chính đạt khoảng 9,1 tỉ USD, tăng 13,4%…

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết: 9 tháng qua, dù còn nhiều các mặt hàng XK giảm, nhưng gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre vẫn duy trì giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Gạo với giá trị XK đạt 2,5 tỉ USD (tăng 12,5%); rau đạt 493 triệu USD (tăng 3,1%); sắn đạt 110 triệu USD (tăng 89,9%), tôm đạt gần 2,75 tỉ USD (tăng 12,7%); quế đạt 168 triệu USD (tăng 12,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,5 tỉ USD (tăng 12,6%); mây, tre, cói thảm đạt 424 triệu USD (tăng 24,5%).

“Điều đáng nói là, hiện đã có 7 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 5 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ: 8,5 tỉ USD; tôm: 2,75 tỉ USD; gạo: 2,5 tỉ USD; hạt điều: 2,3 tỉ USD; càphê: 2,2 tỉ USD” – TS Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Dư địa lớn của 5 mặt hàng chiến lược xuất khẩu trên 2 tỉ USD

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, về 5 mặt hàng chiến lược mang về trên 2 tỉ USD trong 9 tháng qua, XK gỗ và lâm sản chính đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nông nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại VN, ngành gỗ vẫn liên tiếp tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Tại các thị trường như: Hoa Kỳ tăng hơn 835 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 26,1%; Trung Quốc: Tăng hơn 79 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương tăng 10,6%); Canada: Tăng gần 12 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 10,3%; Thái Lan: Tăng hơn 5 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 20,6%.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đồng thời là Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, ông Đỗ Xuân Lập, dự báo các tháng cuối năm, XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng (dự kiến kim ngạch cả năm 2020 đạt trên 12 tỉ USD) bởi vào mùa Noel của các nước tăng mức chi tiêu, mua sắm; tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất trong nước dần trở lại bình thường, Chính phủ Việt Nam dần khôi phục lại các đường bay quốc tế.

XK thủy sản tháng 9 qua cũng đạt 6,03 tỉ USD, trong đó riêng XK tôm đạt 2,75 tỉ USD. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị XK thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2019 đã phản ánh tác động tích cực của Hiệp định này trong việc thúc đẩy XK các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong đó thay đổi rõ rệt và tích cực nhất là tôm, mực, bạch tuộc.

“So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0% như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam-PV) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%”-TS Nguyễn Quốc Toản phân tích.

Đối với mặt hàng gạo, XK gạo đã bước sang giai đoạn chuyển đổi, giảm về số lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch. Thực tế là trong 9 tháng qua, XK gạo 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam đã đẩy mạnh XK gạo thơm có giá trị cao hơn.

Nhìn lại giá trị XK gạo trắng với 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%, có thể thấy bức tranh XK gạo đã tiệm cận mức cân đối giữa gạo thơm và gạo trắng thông thường.

“Với 80.000 tấn gạo trong đó có 30.000 tấn gạo thơm được cấp hạn ngạch ưu đãi thuế sang EU, dư địa cho XK gạo sang EU đang rất lớn, các DN XK gạo của Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc để tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), XK gạo thơm mang lại giá trị cao hơn, ngoài góp phần giảm lượng gạo XK theo đúng lộ trình, còn chứng minh và thay đổi được cách nhìn của thế giới về chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là tại các thị trường có đòi hỏi khắt khe với hàng rào kỹ thuật cao như Mỹ, EU…

Về mặt hàng rau quả, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng giá trị XK rau quả 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,5 tỉ USD, đứng thứ 3 trong 5 mặt hàng mang về trên 2 tỉ USD trong 3 quý vừa qua. Trung Quốc, Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường lớn về XK rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… Dự báo trong 3 tháng cuối năm, XK rau quả của Việt Nam sang các thị trường này vẫn ổn định, khả quan.

* Để XK nông, lâm, thủy sản tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề cho XK năm 2021, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ. Giải pháp trong thời gian tới, nhất là chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp đối với lĩnh vực chế biến, chế biến sâu. Tập trung đẩy mạnh triển khai, thực hiện một số cơ chế, chính sách chủ yếu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, liên kết chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Đặc biệt, Bộ NNPTNT tập trung xây dựng và hoàn thiện các Đề án, Chiến lược bao gồm: “Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030” và “Đề án Phát triển ngành chế biến rau củ quả giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý IV năm 2020.

(Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến)

* Thống kê sơ bộ sau hơn 2 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong đó, vừa qua chúng ta chứng kiến các lễ xuất khẩu nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh ngày 11.9; 100 tấn chanh leo XK sang Đức ngày 16.9; trái cây (gồm 2.200 thùng, và 15 tấn bưởi, thanh long) XK đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm XK sang Séc ngày 22.9.2020.

(Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh)