Xuất khẩu nông nghiệp tăng nhưng còn nhiều thách thức

Trong 9 tháng qua, toàn ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, đạt 2,02%, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Thủy sản và lâm nghiệp có giá trị  tăng cao nhất là  6,12% và 3,98%. Ngành nông nghiệp xác định đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chiều 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo tại Hà Nội. Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT Lê Văn Thành cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc … Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, nổi bật phải kể tới 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8%); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%); gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%); rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%) và tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%).

Thặng dư thương mại 9 tháng toàn ngành đạt 6,86 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.

Theo ông Thành, thời gian qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là việc tập trung tháo gỡ khó khăn với thị trường Trung Quốc, mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu như xoài xuất sang Mỹ, Anh, Australia … “Tính đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 5,31 tỷ USD; Mỹ đạt 5,35 tỷ USD. Nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1,53 tỷ USD và Mỹ là 2,51 tỷ USD”, ông Thành cho biết thêm.

Trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Cụ thể với thị trường Trung Quốc, ông Thành nhấn mạnh: Các đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chia sẻ thông tin, hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho sản phẩm nông, thủy sản như xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019; đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để sớm xuất khẩu tổ yến, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, bơ, thạch đen, bưởi, dừa, da và tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vướng mắc về hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Lãnh đạo các tỉnh biên giới cả hai phía Việt Nam, Trung Quốc đối với việc áp dụng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng thư xuất khẩu, vấn đề kiểm dịch động thực vật.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Hiện nay, có xu hướng những thị trường lớn tốc độ tăng trưởng giảm. Cùng với đó nhiều thị trường đã có hiện tượng chủ nghĩa bảo hộ quay lại… chính vì vậy xuất khẩu các ngành hàng nông sản từ giờ đến cuối năm khá khó khăn.

Bộ NN&PTNT đã đề ra những biện pháp cụ thể với các thị trường chiến lược. Với thị trường Mỹ, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đề nghị Mỹ sớm công nhận tương đương đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Mỹ; tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc cho sản phẩm thủy sản ở thị trường Mỹ.

Tại thị trường EU, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tập trung làm việc với các cơ quan chức năng của EU tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu, đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xuất khẩu nông sản sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU được ký kết; xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trực tiếp vào thị trường 28 nước EU thông qua thực thi Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU.

Với 2 thị trường đáng chú ý khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm hoa quả vào thị trường Nhật Bản bao gồm nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, vú sữa; tổ chức xúc tiến hàng nông sản vào các chuỗi siêu thị phân phối lớn (như AEON) tại Nhật Bản; tháo gỡ vướng mắc trong kiểm dịch chất lượng sản phẩm thủy sản vào Hàn Quốc; hài hòa các quy định về quản lý gỗ bền vững để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hàn Quốc; đề nghị phía Hàn Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến và trứng gia cầm muối…

Thu Hương