Xuất khẩu mực và bạch tuộc sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm
Nếu trong tháng 6/2018, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam tăng trưởng chậm thì bước sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại giảm 15% so với tháng 7/2017, chỉ đạt 54 triệu USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đưa ra dự báo càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ mực và bạch tuộc càng tăng, do đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam trong những tháng tới sẽ vẫn tăng nhẹ.
Theo VASEP, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 7 có sự sụt giảm là do tình hình xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN …đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể trong tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đã giảm 3% so với tháng 7/2017, chỉ đạt 20 triệu USD. Tuy nhiên do tăng trưởng liên tục trong các tháng đầu năm nên tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này lũy kế 7 tháng đạt hơn 23 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,8% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Đứng thứ 2 về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam là thị trường Nhật Bản, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. VASEP cho biết xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 7 đã giảm 18%, chỉ đạt 12 triệu USD; mặc dù vậy tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm vẫn đạt 80 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Sở dĩ năm nay xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng tăng là do kinh tế Nhật Bản đang có xu hướng phục hồi, đồng yên tăng giá khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.
Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 7 rất thấp, chỉ đạt 7 triệu USD, giảm 41% so với tháng 7 năm ngoái; tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang EU đạt 46 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2017. Tín hiệu vui là trong tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU là Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã có sự phục hồi.
Còn tại thị trường ASEAN, năm nay xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường lớn thứ 4 này có nhiều biến động. Đặc biệt trong tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang ASEAN chỉ đạt đạt 6,8 triệu USD, giảm 12,4% so với tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang ASEAN trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 20%, đạt gần 46 triệu USD. Xét trong khối ASEAN, Thái Lan là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam với tỷ trọng chiếm tới 75% tổng nhập khẩu mực, bạch tuộc của khối ASEAN. Việt Nam hiện đang là nguồn cung mực, bạch tuộc lớn thứ 2 tại Thái Lan, chiếm 25% thị phần; đứng đầu là Trung Quốc, chiếm hơn 53% thị phần.
Theo : Nguyễn Cường