Xuất khẩu lâm sản đứng đầu nhóm hàng “xuất khẩu tỉ đô” của ngành Nông nghiệp
7 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất siêu của lâm sản chính ước đạt 3,77 tỷ USD; đưa xuất khẩu lâm sản đứng đầu trong nhóm hàng “xuất khẩu tỉ đô” của ngành Nông nghiệp. Thành tích ấn tượng này phần nào cho thấy nỗ lực của toàn ngành trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tăng cường liên kết trong lĩnh vực chế biến, nâng cao giá trị ngành hàng lâm sản… đã phát huy hiệu quả.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn) cho biết giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7/2018 ước đạt trên 681 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm ước đạt 5,025 tỷ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp; đồng thời cũng là ngành xuất siêu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị 3,77 tỷ USD (trong đó giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,52 tỷ USD). Có được thành công này là nhờ ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm và bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn trong bảo vệ và phát triển rừng, tái cơ cấu ngành vào trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó là sự gắn kết, tham gia mạnh mẽ từ hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản, phát triển trồng rừng sản xuất, đảm bảo nguồn cung gỗ chất lượng và hợp pháp phục vụ xuất khẩu
Điểm ấn tượng là trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính liên tục tăng trưởng, mức tăng trưởng trung bình đạt 14% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm lâm sản chính gồm: gỗ thành phẩm, dăm gỗ, các loại gỗ khác và một số mặt hàng lâm sản ngoài gỗ như: mây, tre, cói, thảm, quế. Trong đó gỗ thành phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong số các mặt hàng trên, thu về trên 3,2 triệu USD trong tổng số hơn 5,025 USD xuất khẩu của toàn ngành.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành Lâm nghiệp đã chủ động đàm phán quốc tế, đặc biệt là về quy định gỗ hợp pháp để mở của thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường Lào, Campuchia, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Với nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay đồ gỗ Việt Nam đã được xuất khẩu trực tiếp sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, các thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh như Malaysia (tăng 109%), Hàn Quốc (52,8%), Pháp (24,8%), Hoa Kỳ (12,5%), Australia (14,8%).
Tuy nhiên trái hẳn với mức tăng bình quân 14% của kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính, giá trị nhập khẩu lại chỉ tăng nhẹ khoảng 0,4% với tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 1,24 tỷ USD. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 giảm mạnh ở các thị trường chính như: Campuchia (giảm 51,3%), Thái Lan (8,9%), Malaysia (7,8%), Newzealand (2,7%). Có tình trạng này là do các tổ chức, cá nhân trong nước đã chuẩn bị vùng trồng rừng nguyên liệu đảm bảo cả về sản lượng lẫn chất lượng để cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu nội địa nên lượng nhập khẩu bị thu hẹp.
Có thể thấy với ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các đơn hàng thường được hoàn thành vào cuối năm do thói quen tiêu dùng, mua sắm, thay thế nội, ngoại thất cũng như xây dựng trong và ngoài nước. Đó cũng chính là lý do những tháng cuối năm giá trị xuất khẩu luôn tăng cao hơn so với đầu năm. Với nhiều tín hiệu khả quan thì việc hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay của ngành lâm nghiệp (giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6-6,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,65%) hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Theo : Nguyễn Cường