Xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy: Tiềm năng rộng mở….

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy sang thị trường các nước khu vực Đông Nam Á, EU…. Trong số những thị trường chính nhập khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam có thể kể đến Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục và Mỹ; trong đó Trung Quốc đại lục là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất 27,2%.

Nếu như năm 2017 kim ngạch xuất giấy và sản phẩm từ giấy sang thị trường Trung Quốc đạt 113,9 triệu USD thì sang năm 2018, cụ thể là 7 tháng đầu năm con số này đã đạt 160,9 triệu USD, tăng gấp hơn 11 lần (tức tăng 1028,97%) so với cùng kỳ 2017. Sở dĩ kim ngạch nhập khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam sang Trung Quốc tăng vọt bởi nguồn cung cho thị trường nội địa đang thiếu hụt trầm trọng xuất phát từ việc Chính phủ nước này siết chặt chính sách môi trường đối với các doanh nghiệp bản địa và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu tái chế. Động thái này đã buộc hàng loạt nhà máy giấy và bột giấy gây ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc phải đóng cửa.

Ngoài ra việc Trung Quốc hạn chế và tiến tới dừng nhập khẩu giấy loại thu hồi (RCP) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thị trường Trung Quốc. Do thiếu hụt nguồn cung RCP nên từ giữa tháng 7/2018 các nhà sản xuất giấy hàng đầu tại Trung Quốc đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động trong thời gian còn lại của tháng 7 và tháng 8. Trước tình hình này, các nhà sản xuất lớn tại Trung Quốc cũng đang cân nhắc khả năng sẽ đầu tư sản xuất bột tái chế ở nước ngoài và xuất khẩu ngược về trong nước.

Đứng sau Trung Quốc về nhập khẩu giấy và sản phẩm từ giấy là các quốc gia khu vực Đông Nam Á với kim ngạch 150,2 triệu USD, tăng 41,19% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 25,4% tổng kim ngạch. Đứng thứ ba là thị trường Mỹ với kim ngạch 70,6 triệu USD, tăng 15,92%; đứng thứ 4 là Đài Loan (Trung Quốc) với kim ngạch đạt 52,6 triệu USD, tăng 9%.

Nhìn chung 7 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc tăng đột biến thì xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy sang các thị trường khác như Philippines và Hàn Quốc cũng tăng mạnh, tăng lần lượt 147,65% và 125,67% tương ứng với 17 triệu USD và 12,8 triệu USD.  Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang các nước EU giảm mạnh 24% với kim ngạch chỉ đạt 2,1 triệu USD.

Những tháng còn lại của năm 2018, dự báo kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giữ vững đà tăng trưởng mạnh khi Chính phủ nước này tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu RCP. Bên cạnh đó những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành giấy Trung Quốc mà hệ lụy trước mắt là sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung giấy RCP. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để thay thế nguồn cung đã mất từ Mỹ.

Ngoài Trung Quốc thì xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy của Việt Nam sang các thị trường khác cũng có cơ hội mở rộng hơn nữa trong bối cảnh làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, đặc biệt là ống hút nhựa, túi nhựa đang lan tỏa khắp toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm ống hút giấy, túi giấy thân thiện với môi trường lên ngôi, mở ra triển vọng lớn cho các doanh nghiệp ngành giấy và cả các quốc gia xuất khẩu giấy như Việt Nam.

Theo :  Kim Phương