Xuất khẩu gạo Việt Nam và chiến lược chuyển từ lượng sang chất…
Mới đây, báo cáo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về tình hình lúa gạo toàn cầu 2022 đã đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu giảm là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung – ngành lúa gạo nói riêng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chuyển dần từ lượng sang chất…
Theo báo cáo của USDA, niên vụ 2021-2022 sản lượng gạo toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục 505,4 triệu tấn (gạo xay xát), tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Trong đó các nước có sản lượng gạo gia tăng có thể kể đến: Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Paraguay, Đài Loan, Thái Lan. Ở chiều ngược lại, các nước Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Philippines, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam được dự báo sẽ đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ này.
USDA cũng đưa ra dự báo trong năm 2022, xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ đạt 46,4 triệu tấn (xay xát), tăng nhẹ 0,1 triệu tấn so với năm ngoái nhưng lại thấp hơn so với mức kỷ lục 48,4 triệu tấn trong năm 2017. Trong đó Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Uruguay là các nước được dự báo có kim ngạch xuất khẩu gạo tăng; ngược lại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam được dự báo có kim ngạch xuất khẩu gạo giảm.
Như vậy sau 2 năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu, dự báo năm 2022 Việt Nam sẽ tụt xuống vị trí thứ 3 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn (sau Ấn Độ và Thái Lan). Điều này không quá bất ngờ bởi Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” cũng đã định rõ đến năm 2025 lượng gạo xuất khẩu chỉ khoảng 5 triệu tấn/năm. Số lượng giảm dần nhưng bù lại Việt Nam sẽ tập trung nâng cao về chất lượng, hướng đến mục tiêu nâng tầm giá trị và thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế. Chủ trương này đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực thông qua chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, bà con nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV cho biết sau một thời gian nghiên cứu thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng, Phước Thành IV đã quyết định chuyển sang xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao bởi nếu so với các loại gạo trắng thông thường trước đây thì giá gạo thơm cao hơn, lại có thị trường ổn định và không bị cạnh tranh nhiều. Cùng với thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, Phước Thành IV cũng đang nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường có nhu cầu về gạo chất lượng cao, điển hình như thị trường EU; từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Về phía Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tổng Giám đốc Phạm Thái Bình cho biết từ đầu năm tới nay doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu xuất khẩu gạo đi các nước châu Á, EU. Mới đây trong tháng 4/2021, Công ty đã 2 lần trúng thầu xuất gạo qua Hàn Quốc với sản lượng trên 30.000 tấn lứt hạt dài. “Hiện gạo Trung An có mức giá tương đối cao, trên 578,5 USD/tấn (giá CIF). Do chúng tôi đầu tư bài bản, đảm bảo chất lượng hạt gạo tốt nên được các đối tác, khách hàng tin tưởng và đánh giá cao” – ông Bình hồ hởi chia sẻ.
Bảo Việt