Xuất khẩu gạo Việt Nam kỳ vọng lập kỳ tích mới trong năm 2022
Năm 2021 thực sự là một năm “lửa thử vàng” đối với ngành hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid – 19. Tuy nhiên nhờ các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước cùng sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp đã đưa ngành hàng chủ lực này sớm về đích….
Khép lại năm 2021, với sản lượng đạt trên 6 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD đã đưa Việt Nam lọt Top 3 các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết để có được thành công này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đã chủ động triển khai một loạt giải pháp ứng phó với những thách thức từ đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4 (sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”), từng bước duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Tp.Cần Thơ), thời điểm làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, doanh nghiệp ông chọn sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như duy trì mọi hoạt động của nhà máy. Dù việc triển khai “3 tại chỗ” khá tốn kém nhưng nhờ duy trì hoạt động trong thời điểm giãn cách đã giúp Trung An nhanh chóng bắt nhịp sản xuất ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy mà trong năm 2021 vừa qua sản lượng gạo xuất kho của Công ty đạt tới 197.000 tấn, trong đó xuất khẩu 60.000 tấn với kim ngạch đạt 31 triệu USD, tăng mạnh 67% so với năm 2020.
Còn theo ghi nhận của ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch VFA, mặc dù trong năm qua dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới ngành hàng lúa gạo song những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp đã được Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương) đồng hành tháo gỡ kịp thời thông qua việc kiến nghị Chính phủ tạo luồng xanh trong vận chuyển, giải tỏa ách tắc tại cầu cảng, hỗ trợ lãi suất…
Về bức tranh xuất khẩu gạo năm 2022, ông Nam cho biết xuất khẩu gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa như nhu cầu thị trường và giá lương thực trên thế giới tăng; hơn nữa chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.
Ngoài ra các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và có hiệu lực thời gian qua cũng sẽ tạo bệ phóng quan trọng cho hoạt động xuất khẩu gạo trong năm nay. Đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; đặc biệt EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, xuất khẩu gạo năm 2022 cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: giá vận tải logistics tăng đột biến; các thị trường nhập khẩu gạo lớn như châu Âu, Mỹ… ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về mặt chất lượng sản phẩm.
Trong nước, mặc dù đã quay lại trạng thái bình thường mới nhưng dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ tái bùng phát trong nhà máy đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó. “Trải qua 2 năm sống chung với dịch bệnh, doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm để ứng phó linh hoạt, sản xuất an toàn trong mùa dịch. Tuy chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức song chúng tôi vững tin với sức chống chịu cùng những kinh nghiệm tích lũy được, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục lập nên kỳ tích mới trong năm 2022, góp phần đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu “ – Phó Chủ tịch VFA nhấn mạnh.
Việt Anh