Xuất khẩu cao su Việt Nam sang 10 thị trường chủ lực tăng mạnh về trị giá
Năm 2021, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, xuất khẩu cao su Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều có sự tăng trưởng so với năm ngoái; trong đó kim ngạch xuất khẩu sang 10 thị trường chủ lực có sự gia tăng rất mạnh về trị giá….
Cụ thể trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới với kim ngạch 11,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó cao su Việt Nam xuất khẩu sang thị trường hàng đầu này đạt kim ngạch 2 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ. Trong khoảng thời gian này, thị phần cao su Việt Nam chiếm tới 17,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau Trung Quốc, Mỹ là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ hai thế giới với kim ngạch đạt 4,192 tỷ USD. Riêng cao su Việt Nam xuất khẩu sang xứ cờ hoa đạt kim ngạch 76,4 triệu USD, tăng 130,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ ba thế giới là Ấn Độ với kim ngạch đạt 1,93 tỷ USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cao su Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt kim ngạch 204,6 triệu USD, tăng 137,5%. Trong 11 tháng năm 2021, thị phần cao su Việt Nam chiếm 9,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Ấn Độ, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại các thị trường còn lại trong Top 10 thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam lớn nhất đều có mức tăng từ 40,7-98,5% về trị giá.
Bước sang năm 2022, dự báo Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu lẫn trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Các nền kinh tế lớn đồng thời cũng là các thị trường tiêu thụ cao su trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi, là điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên để phục vụ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp.
Quế Anh