Xuất khẩu 10 tháng tiệm cận mục tiêu tăng trưởng

Trong 10 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018 (thấp hơn mức tăng 21,8% của cùng kỳ năm 2017 và 15,3% của cùng kỳ năm 2018).

Tuy tăng trưởng có phần chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam cơ bản đã bám sát chỉ tiêu tăng trưởng 7-8% trong năm nay.

Đáng lưu ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,63 tỷ USD, tăng 16,2%, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 150,42 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm 69,3% (tỷ trọng giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến hiện đóng góp 84,3% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, đạt 182,93 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Trong khi nhóm hàng nông, thủy sản đạt 20,87 tỷ USD, chiếm 9,62% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Không những thế, có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm so với cùng kỳ 2018 như thủy sản; rau quả; cà phê; hạt tiêu; gạo … Tương tự, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đạt 3,65 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu mặt hàng than đá, dầu thô và xăng dầu các loại giảm.

Đáng lưu ý, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Hơn nữa, khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp. Với mức tăng trưởng lên tới 7,4%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đã tiệm cận với mục tiêu tăng trưởng 7-8% trong năm 2019.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đạt 210,004 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã hoàn thành 82,5% mục tiêu xuất khẩu của năm. Đáng lưu ý, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng đã xuất siêu 7,05 tỷ USD, cao hơn con số 6,83 tỷ USD của cả năm 2018.

Với diễn biến này, nhiều khả năng năm 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam và nền kinh tế đang có sự chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu trong những năm gần đây.

Trong hai tháng cuối cùng của năm, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ – Trung để chủ động trong điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Hiện tại Bộ Công Thương đang nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Ngoài ra, chú trọng kiểm soát nhập khẩu, xử lý vấn đề lẩn tránh thuế nhằm cảnh báo sớm nguy cơ lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các FTA thế hệ mới bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững.

Huy Hoàng