Xây dựng thương hiệu để làng nghề Việt hội nhập EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các làng nghề Việt Nam trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống. Đồng thời, cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa.

Hội thảo khoa học “Phổ biến các cam kết sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA thông tin về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu”.

Thông tin tại Hội thảo khoa học “Phổ biến các cam kết sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA thông tin về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại châu Âu” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức mới đây. Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hiệp định EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dù thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ trước khi có Hiệp định vẫn ở mức 0%. Tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề là tác động kép, có đi có lại, đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển; tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

“Khi EVFTA đi vào thực thi, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ là cần thiết. Do vậy, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt lưu tâm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu” – ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với các làng nghề đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề hội nhập. Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, cùng với những nội dung liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra trong Hiệp định EVFTA. Đây cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình xem xét môi trường, thể chế đầu tư của Việt Nam. Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA.

Lý giải nguyên nhân này, ông Sơn cho hay, do châu Âu là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó việc tăng cường bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là nhu cầu cấp thiết. Châu Âu cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ đặc thù này. Về phía Việt Nam, thông qua EVFTA, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Để khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, các chuyên gia đều cho rằng, các doanh nghiệp, làng nghề cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. Ðồng thời, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Vi Khải – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – cảnh báo về những thách thức liên quan tới rào cản kỹ thuật, nguyên tắc hàng rào thuế quan, quy định về sở hữu trí tuệ, thói quen truyền thống… Ông Khải cho rằng, vấn đề hiện nay các doanh nghiệp làng nghề đang đối mặt là bài toán nguồn nhân lực, nguồn nhân lực cần được nhận thức lại và đổi mới để có những thay đổi thiết thực, hiệu quả phù hợp hơn.

Trao đổi tại hội thảo, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh khẳng định: EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần hướng tới nhu cầu của thị trường châu Âu, đó là sản phẩm thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, sản xuất kinh doanh gắn với du lịch là xu hướng phát triển bền vững và hiệu quả cho mỗi thương hiệu trong quá trình phát triển của từng địa phương cũng như mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển của Việt Nam hiện nay và nhu cầu mua sắm du lịch làng nghề ngày càng cao, việc tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch.

Trung Hoài