World Bank đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khu vực và thế giới
Báo cáo “Viễn cảnh kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra nhận định Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng tích cực với mức tăng GDP trong năm 2020 và 2021 dự báo đạt 6,5%, sau đó giảm nhẹ xuống 6,4% vào năm 2022.
Báo cáo của World Bank cũng đưa ra dự báo năm 2020, tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ chững lại còn 5,7% do tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục giảm còn 5,9%. Trường hợp không tính Trung Quốc, tăng trưởng trong khu vực này được dự báo sẽ khôi phục nhẹ lên 4,9% do sức cầu trong nước được hưởng lợi nhờ tình hình tài chính nhìn chung thuận lợi, với lạm phát thấp và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đổ vào một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Việt Nam…; kết hợp với các dự án hạ tầng công quy mô lớn được đưa vào sử dụng ở Philippines và Thái Lan.
Ngoài ra tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng được hưởng lợi nhờ thương mại toàn cầu được hồi phục nhẹ, cho dù chưa mạnh. Trong đó tăng trưởng ở Malaysia dự kiến sẽ chững nhẹ còn 4,5%; tăng trưởng ở Indonesia dự báo sẽ nhích lên 5,1%.
Riêng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đạt 6,5% trong năm 2020 và năm 2021, sau đó sẽ giảm xuống 6,4% vào năm 2022. Với mức dự báo này, Việt Nam đứng thứ ba về độ tăng trưởng tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Campuchia và Myanmar. Trên thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau một vài nền kinh tế, thuộc nhóm tăng trưởng mạnh trong ba năm tới.
Ở quy mô toàn cầu, World Bank đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 2,5% trong năm 2020 do đầu tư và thương mại dần khôi phục sau một năm ảm đạm, tuy nhiên rủi ro suy giảm vẫn tồn tại.
“Với việc tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dự kiến vẫn thấp, các nhà hoạch định chính sách cần chủ động nắm bắt cơ hội, tăng cường cải cách cơ cấu nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Ngoài ra các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thượng tôn pháp luật, quản lý nợ, nâng cao năng suất… cũng sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững”, Ceyla Pazarbasioglu – Phó Chủ tịch World Bank phụ trách về tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế cho hay.
Minh Phượng